Nâng cao năng suất phải từ sản phẩm chủ lực và đầu tư công nghệ

(Dân trí) - Để nâng cao năng suất từng doanh nghiệp phải đưa ra chiến lược tập trung vào sản phẩm chủ lực, đầu tư công nghệ.

Đó là nhận định của chuyên gia quốc tế về việc đẩy mạnh, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam hiện tại và tương lai. Câu chuyện này được đề cập tới tại một Hội thảo quốc tế của Tổ chức năng suất châu Á (APO) về chính sách khoa học, công nghệ, đổi mới và vấn đề nâng cao năng suất do APO và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng vừa tổ chức tại Hà Nội.


 PGS Vũ Minh Khương – Trường Chính sách công Lý Quang Diệu

PGS Vũ Minh Khương – Trường Chính sách công Lý Quang Diệu

Chia sẻ kinh nghiệm từ Singapore, PGS Vũ Minh Khương –Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho rằng, để nâng cao năng suất từng doanh nghiệp phải đưa ra chiến lược tập trung vào sản phẩm chủ lực, đầu tư công nghệ.

PGS Khương cho rằng Việt Nam nên thành lập Hội đồng năng suất Quốc gia để nhìn nhận thấu đáo và đưa ra những chiến lược phát triển cho từng ngành trong thời gian sắp tới.

"Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng tốt nhưng tiềm năng chưa được phát huy hết, điều này thể hiện ở năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp so với các nước, trong khi năng lực không phải thấp như vậy", PGS Khương nói và chỉ ra nguyên nhân cấu trúc chung của nền kinh tế chưa tương tác đạt hiệu quả cao, trình độ công nghệ, tay nghề công nhân còn thấp, định vị chiến lược của Việt Nam còn hạn chế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ông Hà Minh Hiệp cho rằng, các kinh nghiệm từ những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… là bài học quý giá, từ đó các nước như Việt Nam cơ hội nhìn lại và tìm ra giải pháp phù hợp cho mình trong việc nâng cao năng suất.


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ông Hà Minh Hiệp

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ông Hà Minh Hiệp

Nhận thấy vai trò quan trọng của việc thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng suất, từ năm 2010, Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu, soạn thảo và được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt.

Theo ông Hà Minh Hiệp, thông qua Chương trình này, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng giúp các doanh nghiệp tạo bước chuyển biến về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hoá chủ lực, khả năng cạnh tranh.

“Sau 8 năm triển khai, gần 5.000 doanh nghiệp được hỗ trợ trang bị và tiếp cận những công cụ hiện đại. Các công cụ đó là hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9000, ISO 9001, ISO 14.000...) và các công cụ cải tiến (5S, Lean, Lean 6 Sixma...)”, ông Hà Minh Hiệp cho biết thêm.


Ông Youngrack Choi - Viện nghiên cứu Chính sách khoa học và công nghệ Hàn Quốc

Ông Youngrack Choi - Viện nghiên cứu Chính sách khoa học và công nghệ Hàn Quốc

Theo ông Youngrack Choi - Viện nghiên cứu Chính sách khoa học và công nghệ Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, doanh nghiệp muốn có năng suất tăng nhảy vọt phải đánh giá sự phù hợp của phương pháp cũng như kế hoạch phát triển. Từ đó mới tìm ra được phương thức để đáp ứng mong muốn.

Ông Youngrack Choi cũng nhấn mạnh, cần phát triển khoa học công nghệ với phát triển công nghiệp một cách song song, nếu tách bạch thì rất khó thành công.

Hồng Anh

Thực tế cho thấy, vào năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia. Mục tiêu của chương trình này hướng tới hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành dựa trên việc khai thác các lợi thế so sánh về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của đất nước; tăng cường chuyển giao công nghệ, tiếp thu, làm chủ và ứng dụng công nghệ vào các ngành kinh tế - kỹ thuật, công nghiệp then chốt; nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và tiềm lực công nghệ quốc gia.