1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Ý tưởng xây dựng thành phố nổi đối phó với mực nước biển dâng

(Dân trí) - Hà Lan lên kế hoạch xây dựng các hòn đảo nổi nhân tạo có thể đương đầu với tình trạng mực nước biển ngày một dâng cao.

Ý tưởng xây dựng thành phố nổi đối phó với mực nước biển dâng - 1

Với 2/3 dân số hiện đang sinh sống ở các khu vực có độ cao dưới mực nước biển, Hà Lan là một trong những quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của hiện tượng nước biển dâng cao hàng năm. Bởi vậy, Hà Lan đang tích cực xúc tiến các phương án để đối phó với tình trạng này.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu hàng hải Hà Lan (MARIN) mới đây đã công bố một mô hình không gian sống mới, đảo nổi nhân tạo, trong dự án có tên gọi là "Không gian trên biển" nhằm tạo thêm không gian sống cũng như để đối phó với tình trạng nước biển đang ngày một dâng cao.

Mô hình hòn đảo nổi này được làm bằng gỗ và đặt trong một bể nước khổng lồ - nơi điều kiện gió, sóng và bão được mô phỏng. Các tác giả dự kiến tìm hiểu thêm thời tiết, thủy triều tác động ra sao lên một cấu trúc như thế, cũng như khả năng nó tự cung cấp năng lượng hoặc tác động ngược lại môi trường biển.

Nếu thành hiện thực, đảo nổi sẽ được hình thành từ 87 miếng bê tông hoặc thép nổi hình tam giác. Tất cả ghép lại thành một khoảng không gian có diện tích khoảng 3 km2. Đảo nhân tạo này sẽ nằm bên bờ biển và được neo chặt xuống đáy biển.


Đảo nổi sẽ được hình thành từ 87 miếng bê tông hoặc thép nổi hình tam giác.

Đảo nổi sẽ được hình thành từ 87 miếng bê tông hoặc thép nổi hình tam giác.

Các nhà nghiên cứu cũng tính đến khả năng tự tồn tại của thành phố nổi thông qua những hoạt động như trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc y tế...

Hà Lan không phải là quốc gia duy nhất khảo sát ý tưởng trên. Chính quyền Polynesia thuộc Pháp cũng có ý định xây dựng một cụm đảo nổi có thể cư ngụ được trong khu vực miền Nam Thái Bình Dương.

Viện Seasteading ở bang California - Mỹ đứng đằng sau ý tưởng này với mục tiêu xây dựng thành phố nổi vào năm 2020, giúp con người tái định cư trong trường hợp buộc phải thay đổi chỗ ở do mực nước biển dâng cao nhấn chìm nhà cửa trên đất liền. Polynesia có lý do lạc quan vì nơi này không có nhiều sóng cao - một yếu tố đe dọa nhà ở trên biển.

Đoàn Dương (Theo Iflscience/Ibtimes)