Ý nghĩa của 13 báu vật được chôn theo người Ai Cập cổ đại
(Dân trí) - Vì sao người Ai Cập cổ đại chôn xuống mộ người chết các đồ vật như Tử thư, lưỡi vàng và bọ hung?
Người Ai Cập cổ đại nổi tiếng với tập tục làm tang lễ cầu kỳ và xa hoa. Qua nhiều thế kỷ, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều đồ vật chuyên được chôn theo người chết vẫn còn tồn tại qua hàng nghìn năm.
Dưới đây là 13 mộ phẩm thường được chôn theo nhiều nhất cùng với người chết, trong đó có các bức tượng nhỏ shabti dùng để phục vụ người chết ở thế giới bên kia và những bức chân dung vẽ hình ảnh sống động như thật của người đã chết.
Bản sao cuốn "Tử thư"
"Tử thư" hay "Sách của người chết" là tên gọi ngày nay được đặt cho một loạt các bản viết tay mà người Ai Cập cổ đại đôi khi chôn theo người chết. Họ gọi những văn bản này là "Cuốn sách hướng dẫn hồn gặp xác vào ban ngày" và lời văn mang ý nghĩa dẫn lối cho người chết ở thế giới bên kia.
Nội dung của các bản viết không hoàn toàn giống nhau nhưng thường mô tả những gì mà người Ai Cập tin là người chết sẽ gặp ở kiếp sau, như là nghi lễ cân trái tim, trong đó hành động của một người được cân bằng chiếc lông vũ của Nữ thần Maat, vị thần công lý.
Quách
Đôi khi người Ai Cập sau khi qua đời được chôn trong những chiếc quách có trang trí cầu kỳ. Có khi những chiếc quan tài tinh xảo này khắc chữ tượng hình ghi tên người đã mất và lời cầu nguyện cho họ. Những chiếc quách này có thể gồm nhiều lớp đặt lồng vào nhau, trong cùng là xác chết.
Tùy vào mức độ giàu có của một người, quách của người đó có thể làm bằng vật liệu đắt tiền, ví dụ như quách của vua Tutankhamun có nhiều phần được làm bằng vàng.
Chân dung người chết
Các bức chân dung này là những hình ảnh sống động của người đã khuất. Từ giữa thế kỷ I đến giữa thế kỷ III, các bức chân dung này thường được vẽ trên tấm gỗ, còn trong thế kỷ IV thì được vẽ trên vải liệm.
Những bức chân dung này được quấn theo xác ướp. Tập tục này đặc biệt phổ biến ở các thị trấn và làng mạc ở Fayum.
Tượng Shabti
Shabti hay ushabti là những "gia nhân" của người chết ở thế giới bên kia. Tùy từng mộ phần, người chết có thể được chôn cùng hàng trăm shabti. Một shabti đơn giản có thể làm từ đất nung trơn, cho đến cầu kỳ thì được dát vàng.
Những hình nhân này thường được khắc một câu thần chú để họ có thể sống lại ở thế giới bên kia và sẵn sàng làm bất cứ việc gì theo yêu cầu của người đã khuất.
Bình canopic
Bình canopic đựng một số bộ phận của người chết được lấy ra trong quá trình ướp xác. Mỗi bộ phận như là phổi, gan, ruột và dạ dày đựng trong một bình riêng.
Người Ai Cập cổ đại coi mỗi bộ phận được một trong những người con trai của thần Horus bảo vệ. Những chiếc bình này đôi khi được đặt trong những chiếc rương, ví dụ như trong lăng mộ của vua Tutankhamun, bốn chiếc bình được đặt trong một chiếc rương bằng đá xuyên sáng alabaster.
Lưỡi vàng
Một số xác ướp trong thời kỳ Hy Lạp - La Mã (năm 332 trước Công nguyên đến năm 395 sau Công nguyên) được chôn cùng lưỡi làm bằng vàng để họ có thể nói chuyện với các vị thần ở thế giới bên kia. Ngoài ra, người Ai Cập cổ đại tin rằng thịt của các vị thần là vàng.
Tranh tường
Lăng mộ của người giàu có đôi khi còn được trang trí bằng những bức tranh tường cầu kỳ. Các hình vẽ này bao gồm chân dung người đã khuất, hình các vị thần, hình ảnh người đã khuất thể hiện lòng tôn kính các vị thần và hình vẽ những người thân để tang người đã chết.
Các tác phẩm này đôi khi còn thể hiện cuộc sống hàng ngày ở Ai Cập, hoặc các loài cây, con vật và thế giới hoang dã, thậm chí còn có cả hình vẽ các sự kiện thể thao như là đấu vật và nhảy múa. Thỉnh thoảng có những dòng chữ tượng hình đi kèm các bức tranh để chú thích về người được chôn cất và những gì họ đã làm khi còn sống.
Vật trang trí hình bọ hung
Bùa hộ mệnh hình bọ hung thỉnh thoảng được chôn theo người chết. Người Ai Cập cổ đại tin rằng những con bọ hung linh thiêng có thể dịch chuyển Mặt Trời ngang qua bầu trời, giống như bọ hung có thể lăn một cục phân trên cát.
Có những bùa hộ mệnh bọ hung khắc mặt dưới của con vật, thể hiện những chiếc chân của nó. Một số hình khắc chi tiết và chính xác đến mức có thể nhận dạng rõ đó là loài bọ hung nào. Những con bọ hung này được đính vào vải liệm người chết để bảo vệ họ. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hàng nghìn con như vậy trong các ngôi mộ ở Ai Cập.
Tượng
Một số mộ có tượng, một số thì không. Những bức tượng này có thể là tượng các vị thần để thể hiện lòng sùng kính của người chết với vị thần đó, hoặc có thể là tượng của người chết và người thân trong gia đình.
Đồ trang sức
Rất nhiều đồ trang sức như vòng cổ, nhẫn và trâm được chôn theo người chết. Người càng giàu thì khi chết càng được chôn theo nhiều đồ trang sức quý giá.
Lăng mộ của vua Tutankhamun có một khối lượng đồ trang sức khổng lồ, trong đó có những tấm che ngực cầu kỳ. Thiết kế của hai trong số các tấm che ngực của vị vua trẻ tuổi này cực kỳ tinh xảo và có những hình bọ hung có cánh, hoa anh túc và trăng lưỡi liềm.
Xác ướp động vật
Một số lăng mộ có cả xác ướp động vật. Đây có thể là những vật nuôi được người đã khuất yêu quý. Đôi khi những xác ướp động vật này là bò, vịt và ngỗng và được làm sạch giống như chuẩn bị đem đi nấu ăn, rồi mới được ướp xác. Những con vật này có thể để cho người chết nuôi, làm thức ăn hoặc làm bạn ở thế giới bên kia.
Mặt nạ xác ướp
Một số xác ước có đeo mặt nạ. Những mặt nạ này thể hiện "hình ảnh lý tưởng của người đã khuất". Mặt nạ có thể làm bằng thạch cao, giấy bồi, vải linen và một số trường hợp hiếm hoi được làm bằng kim loại quý.
Năm 2018, các nhà khảo cổ học tìm thấy ở Saqqara một chiếc mặt nạ xác ướp bằng bạc mạ vàng. Đó là mặt nạ của một thầy tu thờ thần Mut, vị thần bầu trời.
Mô hình thuyền
Các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy những mô hình thuyền trong các lăng mộ Ai Cập cổ. Ví dụ điển hình là mô hình thuyền trong mộ của Djehutynakht, một vị thống chế sống cách đây khoảng 4000 năm và được chôn cùng với 55 mô hình thuyền trong mộ của ông ở Deir el-Bersha.
Đây là những chiếc thuyền trong đội thuyền vận chuyển, săn bắt và đánh cá. Một chiếc thuyền trong đó mô tả đang chở xác ướp của chính ông.
Theo LiveScience