Xuất hiện "dòng sông trên trời" có khả năng "bẻ gãy" một lục địa
Sông khí quyển, còn được các nhà khoa học đặt biệt danh thơ mộng là "dòng sông trên trời", thực ra là một hiện tượng vô cùng đáng sợ đang đe dọa làm sụp đổ thềm băng lớn nhất Bán đảo Nam Cực.
Nghiên cứu vừa công bố trên Nature Communications Earth & Environment đã sử dụng các thuật toán, mô hình khí hậu và dữ liệu quan sát vệ tinh để xác định rằng 60% các sự kiện các tảng băng vỡ ra khỏi thềm băng hoặc sông băng từ năm 2000 đến 2020 là do sông khí quyển.
Công trình quốc tế được dẫn đầu bởi tiến sĩ Jonathan Wille từ Đại học Grenoble Alpes (Pháp) cho hay "dòng sông trên trời" là một luồng hơi ẩm dài vận chuyển không khí ấm và hơi nước từ vùng nhiệt đới đến các vùng khác trên Trái Đất.
Khi vào đất liền, chúng làm đổ mưa và tuyết, đồng thời gây ra nhiệt độ cực cao so với nhiệt độ hiện tại của các vùng băng giá, làm tan chảy một cách khốc liệt bề mặt băng.
Trích dẫn nghiên cứu, đài CNN cho biết hoạt động của sông khí quyển thời gian qua đã làm mất ổn định các thềm băng trên bán đảo Nam Cực, "bẻ" lục địa băng giá này từng phần từ những mảng băng nhỏ đến các tảng lớn to như một tiểu bang của nước Mỹ.
Tác động của các "dòng sông trên trời" phù hợp với các điều kiện được quan sát trong quá trình sụp đổ của 2 thềm băng Larsen A và B, lần lượt bị bẻ khỏi Nam Cực vào năm 1995 và 2002.
Nếu khí hậu Trái Đất ấm hơn nữa gây nên các sông khí quyển dày đặc hơn và dữ dội hơn, thềm băng lớn nhất còn lại là Larsen C cũng có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.
Nếu Larsen C sụp đổ, đó sẽ là tin xấu cho mực nước biển khắp hành tinh. Nước biển dâng tức đại dương sẽ phình ra, nhiều vùng đất hiện tại sẽ bị nhấn chìm.
Các nhà khoa học vẫn chưa xác nhận được rõ ràng mối quan hệ giữa các "dòng sông trên trời" và biến đổi khí hậu, nhưng các bước quan sát dạng nghiên cứu chỉ ra vào những thời điểm xảy ra sông khí quyển, Nam Cực cũng đồng thời hứng chịu những đợt nắng nóng và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.
Mặc dù tần suất xuất hiện của các sông khí quyển trong tương lai có thể là ẩn số, nhưng tiến sĩ Wille tin rằng ít nhất chúng sẽ trở nên dữ dội hơn và gây nhiều bất ổn hơn.
Nhà khí tượng học John Turner từ Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh, người không tham gia nghiên cứu, lại cho rằng khoa học nên tập trung vào sự tan chảy cơ bản hơn là sông khí quyển. Ông cho rằng sự mất ổn định của thềm băng là do tan chảy cơ bản, và tan chảy cơ bản đã có bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ với biến đổi khí hậu.