Xét nghiệm ELISA trong chẩn đoán y khoa

(Dân trí) - Sau thông tin trường mầm non Thanh Khương, Bắc Ninh cho học sinh ăn thịt lợn “gạo”, nhiều phụ huynh ở đây ồ ạt đưa con em về Hà Nội xét nghiệm ELISA bệnh sán dây lợn. Họ càng hoang mang hơn khi có cả trăm cháu có kết quả dương tính.

Xét nghiệm ELISA sán lợn là xét nghiệm gì? Giá trị chẩn đoán ra sao?

Xét nghiệm ELISA trong chẩn đoán y khoa - 1
Định danh

Xét nghiệm ELISA (Enzyme-Linked Immunosorbent Assay), còn được gọi là EIA (Enzyme ImmunoAssay), là một xét nghiệm phân tích miễn dịch học hay sử dụng để chẩn bệnh trong y khoa. ELISA còn được sử dụng trong nông nghiệp để chẩn đoán bệnh học vật nuôi, cây trồng cũng như để kiểm tra chất lượng trong các ngành công nghiệp khác nhau.

Có rất nhiều loại xét nghiệm ELISA cho nhiều loại bệnh nhiễm trùng như trực tiếp, gián tiếp, sandwich, cạnh tranh, nhưng đều theo nguyên lý  chung là phát hiện kháng nguyên bằng các kháng thể đặc hiệu theo cơ chế miễn dịch học. Điểm đặc biệt ở đây là các kháng thể được cho gắn kết với một loại enzyme (enyme-linked), và sau khi phản ứng kháng nguyên-kháng thể xảy ra, người ta cho cơ chất (substrate) đặc hiệu vào enzyme sẽ phân giải cơ chất ra các sản phẩm (products), tỷ lệ với lượng kháng nguyên cần đo đạc. Đo những tín hiệu, phổ biến nhất là sự đổi màu một chất hóa học, sẽ tính ra được lượng kháng nguyên có trong mẫu vật xét nghiệm.

Xét nghiệm ELISA trong chẩn đoán y khoa - 2
 

Xét nghiệm ELISA dùng để xác định những bệnh nào

Nói chung, ELISA là một xét nghiệm miễn dịch học tiên tiến dùng để phát hiện những kháng nguyên ngoại lai, xâm nhập vào cơ thể.

Những kháng nguyên, chất ngoại lai được phát hiện bởi xét nghiệm ELISA rất nhiều bao gồm: các hormone, chất gây dị ứng, kháng nguyên virus (sốt xuất huyết, viêm gan B), kháng nguyên vi khuẩn (lao, thương hàn), kháng nguyên ký sinh trùng (sán lá gan, sán dây lợn), kháng thể do cơ thể tạo ra do đáp ứng miễn dịch với nhiễm trùng (kháng thể kháng viêm gan B, kháng thể sau tiêm chủng), kháng nguyên độc chất….

Đôi điều bàn luận

Xét nghiệm ELISA giúp tìm ra các kháng nguyên chính là mầm gây bệnh. Các kháng nguyên thường là các phân tử kích thước lớn, đa số là các phân tử chất protein phức hợp với carbohydrate, chất béo thành glycopolypeptides, lipoprotein….

Một xét nghiệm lý tưởng để chẩn đoán bệnh cần đạt hai chỉ tiêu: (1) một là độ nhạy (sensibility Se) cao, càng sát lý tưởng 100% càng tốt với sai số âm giả là 0%, tức là có thể phát hiện rất sớm trong giai đoạn khới phát bệnh; và (2) hai là độ đặc hiệu (specificity Sp) lớn, lý tưởng là 100% và sai số dương giả là 0%, tức là chỉ cho kết quả dương khi có bệnh thật sự. Trong thực tế lâm sàng, thường không có xét nghiệm lý tưởng như thế. Do đó, một căn bệnh cần phải có nhiều xét nghiệm để hỗ trợ nhau. Đặc biệt, khi sàng lọc bệnh cho một cộng đồng, cơ sở y tế thường chọn loại xét nghiệm có độ nhạy Se cao (có thể bị dương giả), sau đó các xét nghiệm dương tính sẽ kiểm tra lại với xét nghiệm chuyên sâu hơn có độ đặc hiệu Sp cao hơn để khẳng định lại chẩn đoán.

Với xét nghiệm ELISA sán dây lợn, theo IBL International, độ nhạy Se của ELISA sán dây lợn là 93.8% và độ đặc hiệu Sp > 95%. Còn theo JAMA (Journal of American Medical Association), trên 133 mẫu huyết thanh và 126 mẫu dịch não tủy được xét nghiệm ELISA để tìm kén sán lợn não (neurocysticercosis) cho thấy: mẫu huyết thanh độ nhạy 50% với độ đặc hiệu 70%, và mẫu dịch não tủy độ nhạy 87% với độ đặc hiệu 95%. Do đó họ kết luận ELISA với mẫu huyết thanh không đáng tin cậy bằng mẫu dịch não tủy.

Cần lưu ý, con sán dây lợn vào cơ thể người có thể gây hai dạng bệnh: (1) một là ký sinh trong ruột, phát triển thành sán dây trưởng thành, và (2) hai là những kén ấu trùng sán lợn (cysticercus cellulosae) vào các mô cơ quan như cơ (98%), não, mắt…Do đó, khi xét nghiệm ELISA dương tính nghĩa là con sán dây đã vào cơ thể, nhưng gây bệnh hay chưa và khu trú ở đâu cũng cần thêm các xét nghiệm, thủ thuật thăm dò thêm như: Sinh thiết các nang sán dưới da tìm ấu trùng sán dây lợn; Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) não tìm các hình ảnh đặc hiệu, Soi đáy mắt nếu nghi ngờ sán ở ổ mắt….

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm