1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Xây hầm chống tận thế lưu trữ DNA của 6,7 triệu loài trên Mặt trăng

Trang Phạm

(Dân trí) - Một nhóm các nhà khoa học đã đề xuất một "hòm Mặt trăng" đặc biệt giấu bên trong các ống dung nham của Mặt trăng có thể bảo quản tinh trùng, trứng và hạt giống của hàng triệu loài trên Trái đất.

Xây hầm chống tận thế lưu trữ DNA của 6,7   triệu loài trên Mặt trăng - 1

Chiếc hòm đặc biệt hay còn gọi là ngân hàng gene, sẽ được giấu an toàn trong những đường hầm và hang động trên Mặt trăng được tạo ra bởi dung nham cách đây hơn 3 tỷ năm sẽ được cung cấp năng lượng bởi các tấm pin Mặt trời.

Theo các nhà nghiên cứu, nó sẽ lưu giữ vật liệu di truyền được bảo quản bằng phương pháp đông lạnh của tất cả 6,7 triệu loài thực vật, động vật và nấm trên Trái đất, cần ít nhất 250 lần phóng tên lửa để vận chuyển lên Mặt trăng.

Các nhà khoa học tin rằng nỗ lực này có thể bảo vệ động vật hoang dã trên hành tinh của chúng ta trước các kịch bản tận thế do con người và tự nhiên gây ra, chẳng hạn như một vụ phun trào siêu núi lửa hoặc một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Ý tưởng trước đó đã được các nhà khoa học báo cáo trong kế hoạch tại Hội thảo Hàng không Vũ trụ IEEE.

Tác giả chính Jekan Thanga, người đứng đầu Phòng thí nghiệm thám hiểm bằng robot từ Đại học Arizona, nói: "Có mối liên hệ chặt chẽ với nhau giữa chúng ta và thiên nhiên. Chúng ta có trách nhiệm là những người bảo vệ đa dạng sinh học và các phương tiện để bảo tồn nó".

Thanga cho biết chưa có những công nghệ cần thiết cho dự án đầy tham vọng này, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng nó có thể được xây dựng trên thực tế trong vòng 30 năm tới.

Động lực chính đằng sau "hòm Mặt trăng" là tạo ra một cơ sở lưu trữ an toàn ngoài thế giới về đa dạng sinh học.

Các nhà nghiên cứu đã liệt kê những điều sau đây là các mối đe dọa tiềm tàng đối với đa dạng sinh học trên Trái đất: Chiến tranh hạt nhân toàn cầu, tác động của tiểu hành tinh, đại dịch, gia tốc biến đổi khí hậu, bão Mặt trời toàn cầu và hạn hán toàn cầu.

"Môi trường và nền văn minh của con người đều rất mong manh. Có rất nhiều trường hợp thực sự bi thảm có thể xảy ra",Thanga nhấn mạnh.

Thực tế, việc tạo dự phòng di truyền để bảo tồn đa dạng sinh học trên Trái đất không phải là một khái niệm mới.

Các nhà nghiên cứu cho biết, chỉ bằng cách lưu trữ thông tin di truyền ở một nơi khác trong Hệ Mặt trời, chúng ta mới có thể đảm bảo nó tồn tại trước bất kỳ mối đe dọa nào đối với Trái đất.

Tuy nhiên, một lợi ích khác của việc xây dựng một chiếc hòm trên mặt trăng là nó có thể được cất giấu một cách an toàn trong các ống dung nham. Những hang động và đường hầm rỗng dưới bề mặt được hình thành trong thời kỳ sơ khai của Mặt trăng và chúng vẫn còn nguyên vẹn kể từ đó.

Các ống dung nham sẽ bảo vệ nguồn gene của Trái đất khỏi các cuộc tấn công của thiên thạch và bức xạ gây hại DNA. Các ống dung nham cũng được cho là nơi tuyệt vời để xây dựng các thành phố trên Mặt trăng cho nền văn minh của con người.

Thiết kế cơ bản của hòm lưu trữ gene trên Mặt trăng với các mô-đun lưu trữ đông lạnh ẩn trong các ống dung nham được cung cấp năng lượng từ các tấm pin Mặt trời phía trên.

"Trừ khi có một vụ va chạm trực tiếp từ thiên thạch hoặc một vụ tấn công hạt nhân, về cơn bản con tàu sẽ không sao cả. Có thể có tới 200 ống dung nham trên Mặt trăng có thể phù hợp với chiếc hòm lưu giữ", Thanga nói.

Chiếc hòm được đề xuất sẽ bao gồm hai phần chính trên và dưới mặt đất. Các mẫu gene sẽ được giữ trong các mô-đun lưu trữ đông lạnh bên trong các ống dung nham sẽ được kết nối với bề mặt bằng thang máy đặc biệt. Trên bề mặt, một mảng liên lạc và các tấm pin Mặt trời sẽ cho phép chiếc hòm được bảo trì một cách tự động.

Việc xây dựng sẽ là một thách thức lớn về mặt hậu cần, nhưng Thanga nói rằng các sứ mệnh lên mặt trăng sắp tới của NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) sẽ đặt nền móng cho các dự án xây dựng kiểu này.

Thanga dự đoán việc vận chuyển các mẫu lưu trữ trên Mặt trăng sẽ là khía cạnh thách thức và tốn kém nhất trong việc xây dựng.

Những tính toán của các nhà khoa học giả định rằng cần 50 mẫu của mỗi loài. Tuy nhiên, việc giới thiệu lại mỗi loài thực tế có thể lên tới 500 tên lửa, điều này có nghĩa là cần nhiều tên lửa hơn nữa.

Thanga cho hay: "Sẽ tốn hàng trăm tỷ USD để đóng hòm và vận chuyển các mẫu thử".

Thực tế, để các mẫu được bảo quản bằng phương pháp đông lạnh, chúng phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp từ âm 180 đến âm 196 độ C. Điều này có nghĩa là sẽ không thực tế nếu sử dụng con người để phân loại và lấy mẫu từ các mô-đun lưu trữ đông lạnh. Thay vào đó, robot sẽ phải thực hiện công việc.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cần khoảng thời gian là 30 năm để thực hiện ý tưởng này, nhưng nếu nhân loại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiện sinh sắp xảy ra thì điều đó có thể được thực hiện nhanh hơn nhiều.