Xác tàu đắm từ 80 năm trước vẫn rò rỉ chất độc hóa học ra biển
(Dân trí) - Một con tàu đắm của Đức Quốc xã bị chìm ở Biển Bắc vào năm 1942 vẫn đang gây ô nhiễm vùng biển xung quanh.
Xác tàu đắm và mối đe dọa môi trường
Nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Frontiers in Marine Science cho thấy một con tàu đắm cách đây 80 năm vẫn đang rò rỉ chất độc hóa học ra vùng biển xung quanh.
Cụ thể, chất hydrocacbon đa vòng (PAH) có trong nhiên liệu của tàu, cùng với kim loại nặng và thuốc nổ là những chất đang gây ảnh hưởng đến hệ vi sinh và địa hóa của vùng đáy biển nơi tàu đắm.
Bên cạnh con tàu nêu trên, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng vẫn còn hàng nghìn xác tàu thời chiến ở Biển Bắc, nằm giữa Anh và lục địa Châu Âu, có thể để lại mối đe dọa môi trường biển tương tự.
Theo ông Maarten De Rijcke, trưởng dự án, kim loại nặng có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, như vật liệu trên thân tàu, nhiên liệu (chủ yếu là than), sơn, chất bôi trơn...
Nhóm nghiên cứu đã phân tích các mẫu lấy trực tiếp từ vỏ thép của xác tàu và vùng đáy biển xung quanh vào tháng 7/2020, và được giữ đông lạnh kể từ đó.
Nghiên cứu của họ cho thấy mặc dù rò rỉ nhiều hóa chất nguy hiểm, nhưng tất cả đều ở dưới mức độc hại sau khoảng thời gian 80 năm nằm dưới sóng biển. "Ở những nồng độ này, chúng đều vô hại", De Rijcke nhấn mạnh.
Điều này trái ngược với nhận định ban đầu của nhóm, khi họ nghĩ rằng vùng biển này sẽ bị "đầu độc", và sinh vật biển không thể sinh sống.
Sinh vật biển thích nghi với hóa chất độc hại
Trải qua nhiều năm, Rijcke và các đồng nghiệp bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn mức độ ảnh hưởng của những xác tàu như vậy tới cộng đồng vi sinh vật và lớp trầm tích xung quanh.
Họ phát hiện ra điều bất ngờ rằng một số sinh vật biển có dấu hiệu thích nghi với xác tàu. Ở một góc độ khác, vùng tàu đắm thậm chí có mức độ đa dạng sinh học tương đối cao, gồm những quần thể như cá, cua, các loài giáp xác, động vật thân mềm, hải quỳ và thực vật biển.
Theo lý giải của PGS. Andrew Turner chuyên về sinh hóa biển và môi trường tại Đại học Plymouth, Anh, hầu hết các xác tàu bị chìm đều thải ra chất gây ô nhiễm vào nước biển. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của vấn đề phụ thuộc vào độ lớn của chúng, cũng như chỉ đối với một số các hóa chất cụ thể.
Trong trường hợp cụ thể này, chất độc hóa học rò rỉ từ tàu là không nhiều, và dần tạo môi trường mới cho các sinh vật biển thích nghi sau một khoảng thời gian nhất định. Trong đó, một số vi khuẩn thậm chí có thể sinh sản mạnh nhờ gặm nhấm phần còn lại của xác tàu bị chìm.
"Chúng tôi thấy sự gia tăng của vi khuẩn phân hủy PAH gần hầm than. Điều này cho thấy một số vi khuẩn thực sự được hưởng lợi từ rò rỉ hóa chất vì đã coi chúng như một nguồn tài nguyên", De Rijcke cho biết.
Các nhà khoa học xem nghiên cứu này là một phần của dự án quan trọng, nhằm đánh giá rủi ro môi trường từ xác tàu đắm. Đồng thời, dự án cũng cho phép chính phủ một số quốc gia ưu tiên xử lý, phân tích các xác tàu ở mức độ nguy hiểm để tiến hành kiểm tra kỹ hơn.