Vùng Tây Tạng có thể bị xé làm đôi do va chạm mảng kiến tạo

Phạm Hường

(Dân trí) - Một vụ va chạm lớn giữa mảng kiến tạo Ấn Độ và mảng Á - Âu đang làm dãy Himalaya cao lên, nhưng cũng có thể đang xé nát Tây Tạng.

Vùng Tây Tạng có thể bị xé làm đôi do va chạm mảng kiến tạo - 1
Thung lũng Kashmir, Tây Tạng. (Ảnh: Ivan Kmit).

Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Địa vật lý Hoa Kỳ, các nhà khoa học đã công bố dữ liệu cho thấy sự va chạm giữa hai mảng kiến tạo lớn nói trên có thể gây ra hậu quả khó lường đối với vùng Tây Tạng.

Tuy chưa có kết luận chính xác, nhưng một số ý kiến cho rằng phần lớn mảng kiến tạo Ấn Độ chỉ đơn giản là đang trượt bên dưới mảng Á - Âu nhưng không bị chìm xuống quá sâu vào lớp vỏ Trái Đất.

Một số ý kiến khác cho rằng những phần dưới của mảng Ấn Độ có thể bị trượt xuống sâu dưới mảng Á - Âu. Nếu tình hình diễn biến theo hướng này thì phần trên của mảng Ấn Độ sẽ chèn ép vào Tây Tạng, dẫn đến cong vênh và rách ra, khiến lớp trên cùng của nó sẽ bị tróc ra hoàn toàn.

Hiện các nhà khoa học chưa thể khẳng định đâu là hướng đi chính xác của sự va chạm mảng kiến tạo này, bởi vì bản chất của lĩnh vực khoa học trái đất là rất khó dự đoán.

Ngoài khả năng làm dãy núi Himalaya cao hơn hoặc xẻ đôi Tây Tạng, nó còn có thể thay đổi căn bản những gì chúng ta từng biết về kiến tạo mảng và sự va chạm của các mảng.

Điều đó cực kỳ thu hút, bởi vì những vụ va chạm như vậy có thể gây ra hậu quả lâu dài và rộng khắp. Các nhà nghiên cứu đã điều tra các sóng động đất truyền qua lớp vỏ tại các khu vực nơi hai mảng va chạm vào nhau và dùng mô hình máy tính tái tạo lại hình ảnh của các sóng dao động này.

Nhờ đó họ nhận thấy một vết rách trên lớp vỏ của mảng Ấn Độ. Ở một số nơi, mảng này sâu đến 200 km, nhưng một số nơi khác chỉ 100 km. Điều đó cho thấy một vài nơi đã bị tróc vỏ trong quá trình va chạm.

Minh họa quá trình trôi dạt của các lục địa từ thời Toàn lục địa cho đến ngày nay (Video: GIS).

Theo BGR

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm