1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

"Vũ khí bí mật" của kangaroo thực ra không phải là đấm bốc

Minh Khôi

(Dân trí) - Loài kangaroo thường được nhắc đến như những võ sĩ đấm bốc thượng hạng trong tự nhiên. Nhưng đây có phải là cách mà chúng tự vệ hay không?

Vũ khí bí mật của kangaroo thực ra không phải là đấm bốc - 1

Ở Úc, cũng không khó để bắt gặp hình ảnh một chú chuột túi kangaroo đeo găng tay boxing, như một biểu tượng cho tinh thần chiến đấu của người Úc từ những năm 1890.

Chúng cũng thường thấy kangaroo được nhắc đến như những võ sĩ đấm bốc thượng hạng trong thế giới tự nhiên. Thế nhưng, liệu rằng giống chuột túi này có thực sự "đấm" như những gì con người nói về chúng?

Theo lý giải của các nhà sinh vật học, mặc dù hành vi thủ thế của chuột kangaroo trông khá giống như động tác của một võ sĩ boxing, nhưng trên thực tế, đây lại không phải là đòn đánh chủ lực của chúng.

Dựa trên các nghiên cứu, người ta nhận thấy một đặc điểm chung trên tất cả 4 loài kangaroo ở Úc, gồm có - kangaroo đỏ, kangaroo antilopine, kangaroo xám miền Đông và kangaroo xám miền Tây nước Úc.

Đó là chúng đều có chân sau lớn, mạnh mẽ, và chiếc đuôi đầy cơ bắp cho phép nâng đỡ toàn bộ trọng lượng của cơ thể.

Tất cả những đặc điểm hội tụ bên trên chỉ phục vụ cho duy nhất một mục đích, đó là tung ra những cú đá cực mạnh khiến kẻ địch chùn bước.

Theo các số liệu được công bố, một con kangaroo đỏ đực có sức đá trung bình khoảng 850 PSI, tức mạnh hơn cả lực cắn từ một con sư tử trưởng thành (650 PSI). Thêm vào đó, móng vuốt từ chân sau của nó có thể khiến kẻ địch bị rách thịt, gãy xương.

Vũ khí bí mật của kangaroo thực ra không phải là đấm bốc - 2

Vũ khí chết người của kangaroo thực ra là những cú đá "song phi" như thế này,

Cú đá này mạnh tới mức chúng có thể khiến con người bị thương nặng, hay thậm chí mất mạng. Dẫu vậy, những trường hợp ghi nhận kangaroo tấn công con người là rất hiếm.

Trong khi đó, hai chân trước của một con kangaroo ngắn hơn và kém mạnh mẽ nhiều hơn so với chân sau của chúng. Hai chân này chủ yếu làm nhiệm vụ chống xuống đất để lấy cân bằng khi chuột túi gặm cỏ, hoặc để cản trở tầm nhìn của đối thủ khi chúng giao đấu.

Khi quá nóng, chúng liếm cặp chân trước, nơi có ít lông. Khi nước bọt bay hơi, nó sẽ làm mát máu bên dưới lớp da, rồi chuyển sang toàn cơ thể. Đây là lý do loài kangaroo có thể sống được lâu dài trên các sa mạc bỏng rát ở nước Úc.

Ngoài ra, do chủ yếu hoạt động vào ban đêm, khi nhiệt độ đã dịu mát. Vào những tháng mát trời, chúng có thể kiếm ăn cả ngày. Thức ăn của chúng chủ yếu là nấm, các loài cây, sâu bọ...