Vốn đầu tư vào khu Công nghệ cao Hòa Lạc tăng nhanh

(Dân trí) - Ban Quản lý khu CNC Hòa Lạc (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, vốn đầu tư bình quân đối với 1ha đất hiện nay tại Khu CNC Hòa Lạc tăng khá nhanh so với những năm trước.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho hoạt động xúc tiến đầu tư cấp Chính phủ vào Khu CNC Hòa Lạc, chú trọng tổ chức xúc tiến đầu tư từ các tập đoàn nước ngoài lớn về công nghệ cao, trong giai đoạn 2017-2018, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư. Năm 2017, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 03 dự án với tổng vốn đầu tư 5.053 tỷ đồng trên diện tích 11,7 ha.

Trong năm 2018 (tính đến hết tháng 10/2018), Ban Quản lý đã cấp GCNĐKĐT cho 8 dự án với tổng mức đầu tư 13.735 tỷ đồng trên diện tích 26,3 ha. Như vậy có thể thấy vốn đầu tư bình quân đối với 1ha đất hiện nay tại Khu CNC Hòa Lạc tăng khá nhanh so với những năm trước.

Sáng nay, 1/11, Ban Quản lý khu CNC Hòa Lạc tiếp tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất thiết bị điện Công nghệ cao Á Châu. Dự án này sẽ được xây dựng tại khu đất CN1-11B-3 thuộc Khu Công nghiệp Công nghệ cao 1 - Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Huyện Thạch Thất, Hà Nội với diện tích 19.330 m2 (khoảng 6,9 ha), dự kiến sẽ đi vào hoạt đồng từ quý 3/2019.


Lãnh đạo Ban Quản lý khu CNC Hòa Lạc trao Chứng nhận đầu tư cho Công ty Á Châu.

Lãnh đạo Ban Quản lý khu CNC Hòa Lạc trao Chứng nhận đầu tư cho Công ty Á Châu.

Với tổng vốn đầu tư dự kiến là 454 tỷ đồng, ACIT (Công ty Á Châu ) sẽ đầu tư hệ thống máy móc hiện đại đồng bộ của hãng công cụ Trumpf – CH Đức và Amada – Nhật Bản bao gồm: Máy đột, Máy cắt lazer, Máy chấn, Rô bốt tự động trong các công đoạn, Hệ thống hàn Lazer rô bốt CNC, Dây chuyển sơn tự động.

Khi đi vào hoạt động, nhà máy số 3 sẽ sản xuất các dòng sản phẩm công nghệ cao phục vụ cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu ra thị trường Châu Á như: Hệ thống SCADA, hệ thống bảo vệ điều khiển trạm biến áp, Mô-đun full type-test Prisma iPM, Mô-đun trung thế hợp bộ 22kV và 38.5kV.

Khi đi vào hoạt động, nhà máy số 3 sẽ sản xuất các dòng sản phẩm công nghệ cao phục vụ cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu ra thị trường Châu Á như: Hệ thống SCADA, hệ thống bảo vệ điều khiển trạm biến áp, Mô-đun full type-test Prisma iPM, Mô-đun trung thế hợp bộ 22kV và 38.5kV.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết thêm, trong thời gian tới Ban Quản lý khu CNC Hòa Lạc sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc để có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn nữa, đồng thời đang có chủ trương xây dựng những quy định riêng để tiếp tục nâng cao chất lượng của các dự án đầu tư và hoạt động đầu tư tại Khu để đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.

Ngoài ra, song song với hoạt động thu hút đầu tư, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc tiếp tục tập trung tiến hành rà soát các dự án đã được cấp GCNĐKĐT vào Khu CNC Hòa Lạc, để đảm bảo các dự án triển khai đúng tiến độ, tránh lãng phí đất.

Hiện tại, Ban Quản lý cũng đang thụ lý hồ sơ dự án đầu tư và thương thảo với một số đơn vị tiềm năng trong nước và nước ngoài như Dự án sản xuất các loại sơn công nghệ nano của Công ty TNHH Sơn KOVA với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, dự án của Công ty Mitsubishi Chemical với tổng vốn đầu tư 92 triệu US, dự án của của một nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 300 triệu USD, và hướng tới đạt mục tiêu thu hút 1 tỷ USD trong năm 2018.

Nguyễn Hùng