1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Việt Nam – Thủy Điển: Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

(Dân trí) - Việt Nam và Thủy Điển sẽ thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, giúp các bên tận dụng tối đa các lợi thế so sánh, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước và vun đắp mối quan hệ truyền thống, tốt đẹp giữa hai nước.

Đây là một trong những nội dung được Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiến hành ký kết và trao các văn kiện hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực với các đối tác Thụy Điển là Học viện Karolinska, Đại học Uppsala và Công ty ABB. Sự kiện này diễn ra khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Na Uy, Thụy Điển của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân từ ngày 21 đến ngày 28/5, kỷ niệm 50 năm Việt Nam và Thụy Điển thiết lập quan hệ ngoại giao (1969 - 2019).

Việt Nam – Thủy Điển: Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - 1

Lễ trao các văn kiện đã ký kết diễn ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cùng Lãnh đạo các Bộ ngành, giới khoa học và cộng đồng doanh nghiệp của hai nước.

Được biết, Học viện Karolinska (KI), Stockholm, Thụy Điển, là một trong những trường đại học y khoa hàng đầu thế giới, được thành lập vào năm 1810. KI là cơ sở nghiên cứu và đào tạo y khoa lớn nhất của Thụy Điển. Từ năm 1901, khi được Chính phủ Thụy Điển giao nhiệm vụ, hàng năm KI thành lập Hội đồng xét duyệt các ứng viên đoạt giải Nobel về Sinh lý học, Y học. Hợp tác nghiên cứu và đào tạo nghiên cứu giữa Việt Nam và KI đã được bắt đầu từ giữa những năm 1980 khi KI tham gia vào Chương trình hợp tác nghiên cứu Việt Nam – Thụy Điển, giai đoạn 1977-2012. Cơ quan điều phối Chương trình phía Việt Nam là Bộ Khoa học và Công nghệ, phía Thụy Điển là Cục Hợp tác nghiên cứu với các nước đang phát triển (SAREC) thuộc Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA). Trong 35 năm hợp tác nghiên cứu, Chương trình đã giúp các nhà khoa học, nghiên cứu viên của Việt Nam xây dựng năng lực, nâng cao chuyên môn, giúp ngành KH&CN của Việt Nam hội nhập quốc tế nhanh chóng và thuận lợi. Ưu tiên hợp tác trong thời gian tới sẽ kết hợp giữa hợp tác đào tạo sau đại học và các nghiên cứu chung trong lĩnh vực y khoa.

Đại học Uppsala là trường đại học lâu đời nhất Thụy Điển và cả Bắc Âu, được thành lập từ năm 1477 và hiện được xếp hạng trong  100 trường đại học hàng đầu thế giới. Trường được biết tới với sự đa dạng của sinh viên tới từ nhiều nước trên thế giới, bởi chất lượng giảng dạy và đặc biệt là định hướng nghiên cứu chất lượng hàng đầu thế giới. Trong nhiều năm qua, Đại học Uppsala đã hợp tác và đào tạo cho Việt Nam hàng loạt các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực chuyên ngành từ khoa học tự nhiên, công nghệ tới khoa học xã hội. Từ năm 2014, Đại học Uppsala đã thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, giáo dục thông qua các chương trình học tập trung, các khóa đào tạo và cơ hội trao đổi giảng viên, sinh viên và nhà nghiên cứu.

Tập đoàn ABB là tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết bị và hệ thống điện; thiết bị điện trung – hạ thế, tự động hóa công nghiệp, rô bốt và truyền động; phục vụ khách hàng trong ngành điện, nước, các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng trên toàn cầu. Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993, sản phẩm của ABB được sản xuất tại Việt Nam phục vụ khách hàng đến từ hơn 60 quốc gia trên thế giới. Trong thời gian tới, hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn ABB sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực và ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ số, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh lực công nghiệp và tự động hóa.

Cũng trong thời gian công tác tại Thụy Điển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và các thành viên trong đoàn sẽ đến thăm và làm việc với Tập đoàn công nghệ Ericsson, Công ty dược phẩm AstraZeneca.

AstraZeneca là công ty dược phẩm lớn, có mặt tại hơn 100 quốc gia. Các hoạt động chính của công ty là nghiên cứu, phát triển và thương mại hoá các thuốc chuyên khoa trong các lĩnh vực điều trị bao gồm: ung thư, tim mạch, thận, chuyển hoá, hô hấp, chống viêm và tự miễn dịch, nhiễm trùng, thần kinh, tiêu hoá,....

Ericsson là tập đoàn đa quốc gia về công nghệ thông tin, viễn thông được thành lập vào năm 1876 và có trụ sở chính ở Stockholm. Năm 1991, lần đầu tiên Ericsson đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam để tiến hành các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực viễn thông và đến năm 2008 Ericsson đã chính thức thành lập Công ty TNHH Ericsson Việt Nam và trở thành một trong những tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới đặt công ty tại Việt Nam.

Tháng 11/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ và Công ty Ericsson Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ về việc thiết lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub) đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với các mục tiêu: tạo nền tảng đổi mới, sáng tạo cho các hoạt động khởi nghiệp; phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển; phục vụ công tác học tập và giáo dục.

Lễ ra mắt Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã được tổ chức vào ngày 10/4/2019, sau đó tại Trung tâm đã tổ chức các Khóa đào tạo ngắn hạn, seminar cho các đối tượng nghiên cứu, sinh viên trong lĩnh vực IT, với sự trợ giúp của các chuyên gia Ericsson.

S.H