Việt Nam có bao nhiêu tạp chí khoa học được công nhận?
(Dân trí) - Cho đến hết năm 2015, cả nước có tổng cộng 334 tạp chí khoa học có Mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ (International Standard Serial Number, ISSN) được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đưa vào danh sách xem xét, tính điểm cho các bài báo được công bố trong đó.
Trong số đó, có một tạp chí được xếp vào ISI/SCIE trong tháng 1/2016, sau khi được đưa vào cơ sở dữ liệu Scopus từ năm 2014, là tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN) do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với IOP Publishing tại Vương quốc Anh xuất bản. Đây là tạp chí đầu tiên của Việt Nam có chỉ số ảnh hưởng (IF - Impact Factor) trên 1,5, đạt chuẩn hàng đầu quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam còn có hai tạp chí (Toán học) được xếp loại trong CSDL Scopus. Đó là: Acta Mathematica Vietnamica của Viện Toán học từ năm 2011 và Vietnam Journal of Mathematics (Hội Toán học Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) từ năm 2014.
Trong số 334 tạp chí khoa học nói trên chỉ có 26 (7,8%) tạp chí xuất bản toàn phần hoặc một phần bằng tiếng Anh. Như vậy, chưa nói về chất lượng khoa học, chúng ta thấy số lượng các tạp chí khoa học bằng tiếng Anh của chúng ta còn quá ít ỏi.
Toàn mạng lưới thông tin KH&CN hiện có trên 5 triệu bản sách KH&CN và truy cập đến hơn 20.000 tạp chí KH&CN trực tuyến với trên 40 triệu biểu ghi toàn văn, trong đó chủ yếu là các tạp chí KH&CN được cung cấp dưới dạng trực tuyến thông qua Mạng VISTA và VinaREN của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia. Để đáp ứng nhu cầu khai thác và chia sẻ thông tin KH&CN trực tuyến, tạp chí Khoa học Việt Nam Trực tuyến (Vietnam Journals Online-VJOL) được duy trì và mở rộng, cho phép độc giả tiếp cận tri thức khoa học được xuất bản tại Việt Nam và nâng cao hiểu biết của thế giới về nền học thuật của Việt Nam.
Nguồn tin điện tử tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ từ các CSDL trong nước đến các CSDL hàng đầu thế giới như: CSDL Science Direct, Proquest Central, Web of Science, IEEE, APS, Primo Central Index, IOP Science, Springer eJournals,… đang là những sản phẩm thông tin được cộng đồng người dùng tin đánh giá cao.
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có khoảng trên 1.000 CSDL được các cơ quan thông tin KH&CN xây dựng, trong đó có khoảng gần 10% CSDL có số lượng biểu ghi từ 10.000 trở lên. Đặc biệt, có một số CSDL lớn có số lượng hàng trăm nghìn biểu ghi như CSDL Tài liệu khoa học và công nghệ Việt Nam (STD) với trên 200.000 biểu ghi cho phép truy cập tới tài liệu toàn văn, CSDL Sách KH&CN với gần 170.000 biểu ghi thư mục phản ánh phần lớn kho sách của Thư viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
S.H