Viện Công nghệ sinh học - Đại học Huế sẽ trở thành 1 trong 3 trung tâm quốc gia
(Dân trí) - Ngày 17/5 tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết Đề án phát triển Viện Công nghệ sinh học - Đại học Huế vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Viện này sẽ được đầu tư nâng cấp phát triển thành 1 trong 3 trung tâm công nghệ sinh học quốc gia vào năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 về Đề án phát triển Viện Công nghệ sinh học – Đại học Huế. Theo Đề án, trong giai đoạn 2018 - 2020, tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ gắn kết với các phòng thí nghiệm khác của các trường thành viên trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, sức khỏe và môi trường; hoàn thiện, tổ chức hoạt động 4 phòng thí nghiệm: Công nghệ gen; Công nghệ enzyme và protein; Vi sinh vật học và công nghệ lên men; Tế bào gốc.
Giai đoạn 2021 – 2025 sẽ đầu tư mới 5 phòng thí nghiệm: Miễn dịch học và vaccine; Tin sinh học; Hoạt chất sinh học và công nghệ hóa sinh; Bào chế dược; Sinh học biển; xây dựng và hoàn thiện các khu ươm tạo, thử nghiệm và sản xuất (nhà kính, nhà lưới và sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học).
Mục tiêu đến năm 2020 đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mới, khu ươm tạo và sản xuất thử nghiệm (nhà kính, nhà lưới và sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học). Đến năm 2025, Viện Công nghệ sinh học – Đại học Huế sẽ trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghệ sinh học quốc gia đạt trình độ tương đương khu vực ASEAN.
Tại Viện này sẽ được ưu tiên các định hướng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, nghiên cứu cơ bản về khoa học sự sống, công nghệ nguồn; nghiên cứu ứng dụng công nghệ nguồn, công nghệ gen và tế bào, protein/enzyme, vi sinh, hóa sinh… trong y dược, sinh học biển, nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến và môi trường; phân tích, thử nghiệm và đánh giá an toàn sinh học, sản phẩm hàng hóa đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen.
Viện cũng có trách nhiệm phát triển ứng dụng công nghệ sinh học, khai thác và phát triển nguồn gen quý hiếm động và thực vật ở miền Trung vào phát triển nông lâm ngư nghiệp và cây thuốc Việt Nam; xây dựng và chuyển giao các mô hình công nghệ sinh học công nghiệp ở miền Trung nhất là trong thủy sản và chế biến nông sản; phát triển công nghệ sinh học gắn với công nghệ vật liệu mới và công nghệ thông tin để hướng đến tự động hóa các mô hình sản xuất công nghệ cao ứng dụng vào nông nghiệp, công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường.
Đại Dương