Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế chuyển giao công nghệ cho tỉnh Quảng Nam

(Dân trí) - Với nhiều thế mạnh nghiên cứu sâu, ứng dụng thực tế hiệu quả về sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dược liệu, Viện Công nghệ sinh học (CNSH), Đại học Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ký kết với tỉnh Quảng Nam việc chuyển giao công nghệ giai đoạn 2020-2025.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định 523/QĐ-TTg (ngày 14/5/2018) phê duyệt Đề án phát triển. Theo đó đến năm 2025, Viện CNSH, Đại học Huế sẽ trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghệ sinh học quốc gia đạt trình độ tương đương khu vực ASEAN. Viện đã nhanh chóng nghiên cứu, đề ra các giải pháp thực hiện lộ trình, mục tiêu đã được phê duyệt, hướng đến phát triển Viện trở thành trung tâm CNSH cấp Quốc gia tại miền Trung.

Đây là một thành viên không thể tách rời của mô hình Đại học Quốc gia Huế theo Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia, được kỳ vọng là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế xã hội không chỉ của tỉnh Thừa Thiên Huế, khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. 

Một trong những chức năng của Viện CNSH là nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Những năm qua Viện CNSH đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Tập thể cán bộ Viện CNSH đã chủ trì nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, tạo ra nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao, thiết thực như: các chế phẩm vaccine phòng trừ bệnh cầu trùng ở gà, tiêu chảy E. coli ở lợn con, sản xuất sinh khối tảo làm thức ăn nuôi trồng thủy sản, bảo tồn nguồn gen nhiều giống cá có giá trị như cá Dìa, cá Vẫu, cá Căng.

Ngày 23/10 vừa qua, Viện cùng với đoàn công tác Đại học Huế do PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế dẫn đầu đã có buổi ký kết và làm việc với tỉnh Quảng Nam bàn thảo chi tiết các nội dung nghiên cứu chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho giai đoạn 2020 – 2025.

Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế chuyển giao công nghệ cho tỉnh Quảng Nam - 1

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế và Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng ký kết chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Quảng Nam và Đại học Huế về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2020 – 2025, trong đó, Viện CNSH, Đại học Huế đóng vai trò quan trọng trong chương trình hợp tác

Tại buổi làm việc, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện CNSH đã đề xuất chuyển giao một số quy trình khoa học và công nghệ về sản xuất phát triển sản phẩm nông nghiệp và dược liệu cho tỉnh Quảng Nam như: giống lúa thảo dược, quy trình nhân giống, trồng và giống lan Giả hạc; mô hình nhân giống hữu tính sâm Ngọc Linh đạt tỉ lệ sống cao.

Bên cạnh đó, Viện CNSH đang thực hiện nhiều hướng nghiên cứu chuyên sâu có thể áp dụng trên địa bàn tỉnh này. Các đề xuất của Viện đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao từ phía đại diện các Sở, Ban, ngành tỉnh Quảng Nam và mong muốn sẽ được hợp tác cùng triển khai sớm trong năm 2020.

Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế chuyển giao công nghệ cho tỉnh Quảng Nam - 2

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thăm gian triển lãm của Đại học Huế

Hàng năm, UBND tỉnh Quảng Nam và Đại học Huế thống nhất xây dựng và phát triển các dự án khởi nghiệp trên các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Nhiều hướng nghiên cứu chế phẩm sinh học phòng trị bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chương trình bảo tồn nguồn gen, phát triển cây dược liệu; giống cây trồng chất lượng cao và nhiều quy trình công nghệ của Viện được ưu tiên đưa vào chương trình hợp tác giữa hai bên.

Hiện nay, Viện CNSH đang chủ trì thực hiện nhiệm vụ phát triển các giải pháp công nghệ phòng trừ bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020. Ngoài các đơn vị hợp tác truyền thống, Viện CNSH đang mở rộng hợp tác với một số tỉnh khác của khu vực miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An.

Theo đề án phát triển, Viện CNSH, Đại học Huế sẽ được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, nhân lực đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, tiến tới sáng tạo các công nghệ nền của công nghệ sinh học, có khả năng giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đến năm 2020, Viện sẽ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mới, khu ươm tạo và sản xuất thử nghiệm (nhà kính, nhà lưới và sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học). Trong thời gian sớm nhất, Viện sẽ đầu tư lựa chọn các giống dược liệu, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị cao phục vụ sản xuất, đồng thời có kế hoạch xây dựng khu đất thành một nơi thăm quan, học hỏi về các mô hình nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế chuyển giao công nghệ cho tỉnh Quảng Nam - 3

Nhiều nghiên cứu tiên phong đang được triển khai tại Viện CNSH, Đại học Huế

Bên cạnh đó, Viện cũng có định hướng tập trung sản xuất một số loại dược liệu đặc trưng của miền Trung nhằm cung cấp nguyên liệu cho các phòng thí nghiệm trọng điểm về hoạt chất sinh học và công nghệ hóa sinh; công nghệ bào chế để tạo ra các sản phẩm ứng dụng có giá trị..

Đại Dương