1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Video thiên thạch phát nổ trên bầu trời nước Mỹ

Nam Đoàn

(Dân trí) - Thứ 6 tuần qua, một thiên thạch đã xuất hiện trên bầu trời nhiều tiểu bang nước Mỹ.

Video thiên thạch xuất hiện trên bầu trời nước Mỹ (Video: Twitter).

Sau đó, thiên thạch này đã không đâm xuống đất liền mà nổ tung trên trời, tiếng nổ lớn đã đánh thức nhiều cư dân ở tiểu bang Oklahoma, miền Nam nước này.

Theo trang 2 News Oklahoma, sau khi nhìn thấy thiên thạch, hàng chục người dân địa phương đã thông báo cho chính quyền về vật thể này.

Bên cạnh đó, nhà khí tượng học Laura Mock đang làm việc cho kênh truyền hình địa phương, Fox 23 đã chia sẻ một đoạn video từ camera hành trình trên ô tô ghi lại, thiên thạch cũng đã xuất hiện trên bầu trời thành phố Fayetteville, quận Washington, bang Arkansas, Hoa Kỳ vào khoảng 4:30 sáng 20/1 (giờ địa phương).

Đoạn video cho thấy, thiên thạch đang bốc cháy và phát ra ánh sáng màu xanh lá cây.

Fox 23 cũng chia sẻ nhiều video về thiên thạch và cho biết một số cư dân cảm thấy ngôi nhà của họ rung chuyển.

Cơ quan Thời tiết Quốc gia ở Tulsa, Oklahoma đã tweet trên Twitter vào sáng thứ Sáu rằng, họ đã nhận được báo cáo về thiên thạch và một máy dò sét đã phát hiện ra nó trên hạt Wagoner thuộc tiểu bang này.

Thiên thạch có gây nguy hiểm cho Trái Đất?

Các nhà khoa học cho biết, phần lớn các thiên thạch đâm vào Trái Đất sẽ bốc cháy hoặc nổ tung khi đi qua bầu khí quyển, do đó chúng không gây ra mối nguy hiểm đáng kể nào.

Trong quá khứ, cách đây 65 triệu năm, Trái Đất đã từng bị hủy diệt do một thiên thể có đường kính 10km đâm vào một khu vực thuộc bán đảo Yucatan ngày nay, quét sạch hầu hết các loài động thực vật trên hành tinh (bao gồm sự tuyệt chủng của loài khủng long).

Video thiên thạch phát nổ trên bầu trời nước Mỹ - 1
Miệng núi lửa gần Flagstaff, Arizona, được tạo ra khi một tiểu hành tinh có chiều ngang ước tính khoảng 50 mét đâm vào Trái Đất khoảng 50.000 năm trước (Ảnh: USGS).

Vào năm 1908, một thiên thể thạch 50 mét đã phát nổ trên sông Podkamennaya Tunguska, Siberia, sức mạnh của nó đã "san phẳng" hơn 80 triệu cây xanh trên diện tích 2.100 km mét vuông.

Lần gần đây vào năm 2013, một tiểu hành tinh có chiều ngang 20 mét nổ tung trong bầu khí quyển Trái Đất cách Chelyabinsk, Nga khoảng 32 km. Sức mạnh của vụ nổ đã phóng ra năng lượng tương đương với khoảng 30 quả bom hạt nhân ném xuống Hiroshima (Nhật Bản), làm hơn 1.100 người bị thương và gây thiệt hại 33 triệu USD.