Vì sao vết thương lâu lành theo tuổi tác?

(Dân trí) - Quá trình lão hóa trên thực tế đã được chứng minh từ chiến tranh thế giới thứ nhất với quan sát cho thấy vết thương của người lính già lâu lành hơn. Nhưng, cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được những thay đổi nào liên quan đến tuổi tác, cản trở khả năng phục hồi của cơ thể.

Vì sao vết thương lâu lành theo tuổi tác? - 1

Các thí nghiệm gần đây tại Trường Đại học Rockefeller đã xem xét những thay đổi của phân tử trong da chuột già để tìm ra câu trả lời. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Cell, đề cập đến một khía cạnh mới về cách cơ thể hàn gắn vết thương.

Elaine Fuchs, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Chỉ trong vài ngày tổn thương, các tế bào da đã di chuyển và hàn gắn vết thương. Đây là một quá trình đòi hỏi sự phối hợp với các tế bào miễn dịch gần đó. Các thí nghiệm của chúng tôi đã chỉ ra rằng, do quá trình lão hóa, liên lạc giữa các tế bào da và tế bào miễn dịch bị gián đoạn, gây cản trở quá trình hàn gắn vết thương. Phát hiện nghiên cứu mở ra những liệu pháp mới để có thể tăng tốc độ hàn gắn vết thương ở người cao tuổi".

Sự phục hồi của các tế bào da

Khi một vết thương xuất hiện, cơ thể cần nhanh chóng hàn gắn vết thương để khôi phục hàng rào bảo vệ da. Brice Keyes, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: "Làm lành vết thương là một trong những quá trình phức tạp nhất diễn ra trong cơ thể con người. Nhiều loại tế bào, con đường phân tử và các hệ thống truyền tín hiệu họat động trong khoảng thời gian từ vài giây đến vài tháng. Những thay đổi liên quan đến lão hóa, đã được quan sát thấy trong mỗi bước của quá trình này".

Cả hai tế bào da và tế bào miễn dịch tham gia vào quá trình phức tạp này, bắt đầu với sự hình thành của vảy. Sau đó, các tế bào da mới được gọi là tế bào sừng, di chuyển vào như một lớp phủ để làm đầy vết thương dưới vảy. Nhóm nghiên cứu đã tập trung vào bước sau để chữa lành vết thương cho chuột 2 tháng tuổi và 24 tháng tuổi, tương đương với người 20 tuổi và 70 tuổi. Kết quả là trong số những con chuột già, các tế bào sừng di chuyển chậm hơn vào khe hở bên dưới vảy của da, thường làm cho vết thương lành lâu hơn vài ngày.

Sự hàn gắn của vết thương cần có các tế bào miễn dịch chuyên biệt nằm dưới da. Các thí nghiệm mới đã chứng minh, khi vết thương xuất hiện, các tế bào sừng ở rìa vết thương liên lạc với các tế bào miễn dịch bằng cách sản sinh protein Skints để các tế bào miễn dịch ở xung quanh hỗ trợ lấy đầy khe hở do vết thương gây ra. Ở chuột già, các tế bào sừng không phát ra tín hiệu miễn dịch.

Tìm kiếm sự đảo ngược

Để nghiên cứu cách tăng tín hiệu Skint trong da chuột già, các nhà khoa học đã chuyển sang một loại protein thường được các tế bào miễn dịch giải phóng sau tổn thương. Khi sử dụng protein này cho mô da chuột già và chuột trẻ trong đĩa petri, nhóm nghiên cứu đã phát hiện thấy sự di chuyển của tế bào sừng tăng rõ nét ở da chuột già.

Vì vậy, các tế bào sừng của chuột già hoạt động như tế bào sừng ở chuột trẻ. Các nhà khoa học hy vọng có thể áp dụng nguyên tắc tương tự để đưa ra các phương pháp điều trị hiện tượng vết thương lâu lành do tuổi tác.

N.P.D-NASATI (Theo Medicalxpress)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm