1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Vì sao rất nhiều tượng Ai Cập cổ đại bị vỡ mũi?

(Dân trí) - Người Ai Cập cổ đại là những nhà vô địch trong lĩnh vực nghệ thuật. Họ đã chạm khắc vô số những bức tượng miêu tả lại xã hội của các Pha-ra-ông, các biểu tượng tôn giao và những công dân giàu có nhất của đất nước.

Nhưng cho dù những bức tượng này mô tả những người hay con vật khác nhau thì rất nhiều tượng lại có chung một đặc điểm, đó là bị vỡ mũi.

Vì sao rất nhiều tượng Ai Cập cổ đại bị vỡ mũi? - 1

Khuôn mặt của Pha-ra-ông Senwosret III, 1878–1840 Trước Công nguyên. Hầu hết những người có quyền lực thời Ai Cập cổ đại đều muốn lưu giữ hình ảnh của mình khi còn trẻ khỏe nhưng Pha-ra-ông Senwosret III lại chọn hình ảnh thực tế hơn. Bức tượng cho thấy mí mắt ông sụp xuống, môi mỏng và những nếp nhăn trên mặt. Giống như nhiều bức tượng khác, bức tượng này cũng bị đập vỡ mũi để không còn sức mạnh nữa.

Thứ “bệnh dịch” mũi vỡ này lan tràn phổ biến đến nỗi người ta nghi ngờ đây chỉ là những tai nạn tình cờ hay một cái gì đó mờ ám hơn đang xảy ra.

Sự thật là trong hầu hết các trường hợp tượng bị vỡ mũi, nguyên nhân là là cố ý.

Theo bà Adela Oppenhein, Quản lý Bảo tàng ở Khoa Nghệ thuật Ai Cập, Viện Bảo tàng Nghệ thuật New York, Mỹ, thì những bức tượng này bị vỡ mũi bởi vì nhiều người Ai Cập cổ đại tin rằng các bức tượng cũng có sức sống, và nếu có một thế lực thù địch tình cờ phát hiện ra bức tượng mà họ muốn tiêu diệt sức mạnh thì cách tốt nhất để hủy hoại sức mạnh của bức tượng là đập vỡ mũi của bức tượng đó.

Đương nhiên là người Ai Cập cổ đại biết rằng các bức tượng có sức sống đi nữa thì cũng không thể đứng dậy và di chuyển bởi vì chúng làm bằng đá, kim loại hoặc gỗ, và họ cũng biết rằng các bức tượng không thực sự thở được như con người. Tuy nhiên niềm tin vào những điều vô hình hay thần bí trong suy nghĩ, trong tinh thần của họ vẫn coi rằng nếu các bức tượng có sức sống thì cũng như con người, sự sống sẽ nhập vào hay thoát ra qua đường mũi, giống như cách chúng ta hít thở vậy.

Bà Oppenheim còn cho biết khi người Ai Cập cổ đại tiến hành các nghi lễ hô thần nhập tượng thì nghi thức mở miệng là rất phổ biến. Trong nghi lễ này, miệng của các bức tượng được xức các loại dầu thơm, được bỏ vào nhiều đồ vật khác nhau để làm cho bức tượng đó “sống dậy” và có quyền năng.

Niềm tin cho rằng các bức tượng có sức sống rất phổ biến, chính vì thế những kẻ chống đối thường muốn hủy diệc sức mạnh này khi chúng nổi loạn. Ví dụ: những kẻ cướp phá các ngôi đền, lăng mộ và những nơi thiêng liêng khác thường tin rằng các bức tượng có sức sống có khả năng trừng phạt hay trả thù, vì thế phải “giết” được những bức tượng này và một cách hữu hiệu để làm việc đó là cắt mũi của tượng hoặc bức tranh hay phù điêu, để họ không thở được nữa.

Tuy nhiên, có đôi khi những kẻ xấu không chỉ dừng lại ở hành động cắt hay đập vỡ mũi của tượng mà còn đập vỡ cả mặt, tay và chân tượng để hủy hoại hoàn toàn sức sống của bức tượng đó.

Cũng có một số trường hợp tượng bị thiên nhiên tàn phá, bị ăn mòn do vật liệu không bền, nhưng có những dấu vết cố tình phá hoại do con người gây ra thì nhìn kĩ là có thể nhận ra được.

Phạm Hường (Theo Live Science)