1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Vì sao máu màu đỏ, nhưng tĩnh mạch có màu xanh?

Minh Khôi

(Dân trí) - Nhiều người cho rằng máu giàu oxy có màu đỏ, máu nghèo oxy màu xanh lam, nên tĩnh mạch thường có màu xanh tím. Tuy nhiên quan niệm này liệu có đúng?

Câu trả lời là: Không. Máu luôn có màu đỏ.

Mỗi phân tử hemoglobin - một loại protein trong tế bào hồng cầu chuyên vận chuyển oxy chứa 4 nguyên tử sắt, và phản xạ với ánh sáng đỏ. Điều này khiến cho máu của chúng ta có màu đỏ.

Vì sao máu màu đỏ, nhưng tĩnh mạch có màu xanh? - 1

Màu đỏ này thay đổi tùy thuộc vào mức độ oxy trong máu. Khi hemoglobin lấy oxy từ phổi, máu có màu đỏ tươi khi nó đi vào các động mạch và ra các mô xung quanh cơ thể.

Nhưng trong quá trình trở về phổi, sau khi tế bào máu cung cấp oxy đến các mô trên khắp cơ thể, "máu nghèo oxy" chảy qua các tĩnh mạch có màu đỏ sẫm, TS. Kleber Fertrin, trợ lý giáo sư huyết học tại Trường Y khoa Washington (Mỹ) cho biết.

Thế nhưng tại sao tĩnh mạch khi nhìn từ bên ngoài da lại có màu xanh lam?

Theo TS. Fertrin, đây gần giống như một ảo ảnh gây ra bởi hiện tượng phân tán bước sóng. "Màu sắc chúng ta nhìn thấy dựa trên bước sóng mà võng mạc có thể cảm nhận được, và các lớp da khác nhau làm cho bước sóng phân tán theo những cách khác nhau", TS. Fertrin lý giải.

Cũng bởi sự tán xạ này, nên dưới lớp da sẫm màu thường xuất hiện các tĩnh mạch màu xanh lục, và có thể là màu xanh lam, hay những người có tông màu da sáng hơn, thì tĩnh mạch lại chuyển sang màu tía.

"Đó là bởi bước sóng ánh sáng xanh lục và xanh lam ngắn hơn bước sóng đỏ", TS. Fertrin cho biết. "Ánh sáng đỏ xuyên qua mô người tốt hơn ánh sáng xanh. Vì vậy, trong khi các bước sóng màu đỏ được da của chúng ta hấp thụ, thì màu xanh lá cây và xanh lam được phản xạ và phân tán trở lại chúng ta".

Vì sao máu màu đỏ, nhưng tĩnh mạch có màu xanh? - 2

Tĩnh mạch có màu xanh hoàn toàn không phải do màu sắc của máu.

Cũng có thể thấy rằng một số mạch máu khác, điển hình như các mao mạch nhỏ do nằm ở gần bề mặt da, nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi "ảo ảnh" này. "Đầu ngón tay có màu hồng vì các mao mạch gần bề mặt hơn nhiều so với tĩnh mạch", TS. Fertrin nói.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra khi chúng ta bị một vết bầm do va đập. Nếu ở gần bề mặt, nó sẽ có màu đỏ hoặc đỏ tía. Trong khi đó nếu vết bầm sâu hơn, nó sẽ có màu xanh tím.

Nói nôm na, màu sắc của máu không hề thay đổi. Chỉ là do mắt người cảm nhận chúng qua da thế nào mà thôi.

Theo www.livescience.com