1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Vì sao mặc quần áo len hay bị ngứa?

Minh Khôi

(Dân trí) - Len là một trong những chất liệu tốt nhất để mặc khi trời lạnh và ẩm ướt, bất chấp một số sự khó chịu nhỏ gây ra cho người dùng, ví dụ như cảm giác ngứa ngáy.

Vì sao mặc quần áo len hay bị ngứa? - 1

Mặc chất liệu len trực tiếp lên da dễ gây ra hiện tượng ngứa (Ảnh: Getty).

Áo len dệt kim có thể là một trong những trang phục ấm áp nhất mà bạn nên mặc khi nhiệt độ trở nên lạnh hơn. Thế nhưng, chất liệu cách nhiệt này lại dễ gây ngứa ngáy khi mặc trực tiếp lên da.

Vậy điều gì ở len đã khiến chúng ta trở nên ngứa ngáy, khó chịu đến vậy?

Theo lý giải của các nhà khoa học, một trong những lý do chính là do độ dày của sợi len được sử dụng để làm ra món đồ đó.

GS. Ingun Kleep đến từ tại Đại học Oslo Metropolitan, Na Uy, cho rằng, sợi len càng dày thì len càng ngứa. Một yếu tố khác là độ mềm của các sợi được sử dụng để tạo ra bộ quần áo.

Về cơ bản, các dạng sợi tổng hợp có khả năng bị mài mòn và kém linh hoạt hơn. Chúng dễ dàng dẫn đến ngứa và kích ứng trên da, trong khi các sợi mỏng hơn, mềm hơn, chẳng hạn như len merino hay lông cừu... lại sở hữu chất liệu giống như lông tơ, không gây ngứa.

Một nguyên nhân gây ngứa ít phổ biến hơn là sự hiện diện của lanolin - một chất sáp được tiết ra bởi tuyến bã nhờn của động vật có lông len.

Theo Healthline, chúng còn được gọi là sáp len hoặc mỡ len. Lanolin rất tốt để hồi phục cho làn da khô, nứt nẻ, nhưng nó cũng có thể gây ra phản ứng trên da ở một số người.

"Một số người có thể không dị ứng với len, nhưng lại dị ứng với lanolin", GS. Ingun Kleep cho biết.

Theo tổ chức Khoa học Na Uy, bất chấp sự khó chịu thường thấy khi mặc, len vẫn là một trong những chất liệu tốt nhất để mặc khi trời lạnh và ẩm ướt. Đó là bởi len có chức năng tự nhiên trong việc thấm mồ hôi và độ ẩm trên bề mặt da của chúng ta.

Sự khác biệt giữa bông và len là khi sợi bông bị ướt, chúng có xu hướng bị ẩm và xẹp xuống. Trong khi đó, len lại thoáng khí hơn và có khả năng thấm tốt hơn. Cùng với đó là khả năng giữ ấm ít bị suy tổn theo thời gian.

Theo Live Science