1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Vì sao không ai dám uống nước giếng trong Tử Cấm Thành?

Minh Khôi

(Dân trí) - Tử Cấm Thành có rất nhiều giếng nước, nằm trong hệ thống cung cấp nước dày đặc và rất phức tạp dưới lòng đất, nhưng không ai dám uống nước từ những giếng này.

Vì sao không ai dám uống nước giếng trong Tử Cấm Thành? - 1

Tử Cấm Thành là cố cung rộng lớn, và bí ẩn bậc nhất Trung Quốc (Ảnh: Getty).

Tử Cấm Thành với tổng diện tích 720.000m2, là khu phức hợp cung điện rộng lớn nhất thế giới. Nơi đây vừa là nhà của các hoàng đế cùng gia đình, vừa là trung tâm nghi lễ, chính trị của Trung Quốc kéo dài hơn nửa thế kỷ.

Tại Tử Cấm Thành, không khó để tìm thấy kiến trúc vườn thượng uyển với hệ thực vật phong phú, các khu đền, nơi nghỉ chân, vãn cảnh đầy thơ mộng. Nơi đây cũng có rất nhiều giếng nước, nằm trong hệ thống cung cấp nước dày đặc và rất phức tạp dưới lòng đất.

Tuy nhiên, có một chi tiết kỳ lạ khiến những người ưa khám phá lịch sử đều cảm thấy khó hiểu, đó là không ai dám uống nước từ những giếng này.

Trích dẫn các tài liệu còn sót lại, trang Sohu cho biết, nước từ những giếng này chỉ được dùng để tưới cây, lau chùi, và dập lửa nếu xảy ra hỏa hoạn.

Để uống nước, hay thậm chí tắm rửa, từ thành viên hoàng tộc đến người giúp việc... đều phải lấy từ bên ngoài Tử Cấm Thành. Nguyên nhân có thể đến từ những câu chuyện đáng sợ đằng sau những giếng nước này.

Qua các bộ phim cổ trang của Trung Quốc, chúng ta biết được rằng Tử Cấm Thành vốn dĩ là chốn thâm cung bí sử, với nhiều câu chuyện ly kỳ đầy âm mưu hiểm độc. Chuyện các phi tần, thái giám, người hầu... đôi khi biến mất không quá hiếm gặp, và nhiều người cho rằng có đến 80% trong số đó bị thủ tiêu ở giếng nước.

Trong một ghi chép về lịch sử hoàng cung thời nhà Thanh, người ta cho rằng Từ Hi thái hậu do "ngứa mắt" với Trân Phi - phi tần được vua Quang Tự hết mực sủng ái - nên đã sai người ném Trân Phi xuống giếng.

Vì sao không ai dám uống nước giếng trong Tử Cấm Thành? - 2

Giếng nước bên trong Tử Cấm Thành (Ảnh: CTG).

Hơn một năm sau, bà mới tiết lộ chuyện này, và thông báo cho người nhà của Trân Phi vào cung trục vớt thi thể của người phụ nữ xấu số. Khi vớt lên, thi thể của mỹ nữ đã bị thối rữa, không thể nhận dạng.

Đến khi những vụ án như thế xảy ra ngày một nhiều, người ta bắt đầu không dám uống nước từ giếng trong cung vì cảm giác ghê sợ.

Chưa hết, các giếng chứa nước trong Tử Cấm Thành còn thường xuyên bị kẻ xấu thả chất độc, nhằm âm mưu hãm hại lẫn nhau.

Trải qua nhiều năm, độc tố trong giếng có thể vẫn còn, kết hợp hệ thống kênh ngầm phức tạp, khiến người vô tình uống phải nước dù ở bất kỳ đâu, vẫn có nguy cơ nhiễm độc.

Có tài liệu lại cho rằng, người ta không uống nước từ các giếng trong cung vì chất lượng nước ở Bắc Kinh bị cho là không tốt.

Vua Càn Long do rất thích uống trà, nên tuyệt nhiên không cho bất kỳ ai pha trà từ nước lấy ở trong cung. Bởi theo ông, việc đó sẽ làm mất đi hương vị của trà.

Có lần, Càn Long tới thưởng ngoạn ở núi Ngọc Tuyền, trông thấy một con suối nước chảy trong vắt. Ông bèn thử dùng nước suối để pha trà, và đã tấm tắc khen ngon.

Theo ghi chép của nhà Minh và nhà Thanh, kể từ đó, hầu như toàn bộ nước sinh hoạt dùng trong Tử Cấm Thành đều được vận chuyển từ núi Ngọc Tuyền.

Do núi Ngọc Tuyền cách Tử Cấm Thành hơn 30km, nên việc vận chuyển nước từ nơi đây đến hoàng cung tiêu tốn rất nhiều nhân lực. Các tài liệu cho biết, cứ mỗi ngày, lại có một nhóm thái giám được giao nhiệm vụ xách hàng trăm thùng nước từ núi Ngọc Tuyền về tới Tử Cấm Thành.

Tại đó, hoàng đế sẽ dùng khoảng 50 thùng nước mỗi ngày cho các mục đích khác nhau. Trong khi đó, thái hậu và các phi tần có thể dùng 20 thùng. Tuy nhiên, đối với các cung nữ và thái giám, họ chỉ được phép dùng không quá 2 thùng nước mỗi ngày.

Theo www.sohu.com