DNews

Vì sao cơn bão số 6 lại có tên "thuần Việt" là Trà Mi?

T.Thủy

(Dân trí) - Vì sao cơn bão số 6 sắp đổ bộ vào biển Đông lại có tên gọi là Trà Mi? Cái tên này có phải do Việt Nam đặt hay không mà lại được cộng đồng quốc tế chấp thuận?

Vì sao cơn bão số 6 lại có tên "thuần Việt" là Trà Mi?

Cơ quan nào chịu trách nhiệm đặt tên cho các cơn bão?

Khi các phương tiện truyền thông nhắc đến các cơn bão xuất hiện trên khắp thế giới, chúng ta sẽ nghe nhắc đến những cái tên riêng được đặt cho từng cơn bão, thay vì chỉ đánh số thứ tự một cách đơn thuần.

Vậy các cơn bão được đặt tên như thế nào và ai là người chịu trách nhiệm đặt tên cho các cơn bão? Trên thực tế, cách thức đặt tên cho các cơn bão đã có một lịch sử lâu dài và đầy phức tạp, cho đến khi có một quy chuẩn riêng như ngày nay.

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), ban đầu, các cơn bão được đặt theo tên của các vị thánh liên quan đến ngày cơn bão đổ bộ. Ví dụ cơn bão Santa Ana đổ bộ vào ngày 26/7/1825 được đặt theo tên Thánh Anne của Kitô giáo.

Tuy nhiên, nếu có nhiều hơn một cơn bão xuất hiện và đổ bộ trong cùng ngày liên quan đến một vị thánh thì sao? Trong trường hợp này, cơn bão mới hơn sẽ có thêm phần hậu tố trong tên gọi của nó. Chẳng hạn cơn bão đổ bộ Puerto Rico vào ngày 13/9/1876 được đặt tên là San Felipe và một cơn bão khác đổ bộ vào ngày 13/9/1928 được đặt tên là bão San Felipe II.

Các nhà khoa học sau đó sử dụng thông tin về tọa độ hình thành nên cơn bão để đặt tên, tuy nhiên, phương pháp này khiến quá trình nhận diện các cơn bão trở nên phức tạp và dễ nhầm lẫn trong khi dự đoán hướng di chuyển của bão.

Vì sao cơn bão số 6 lại có tên thuần Việt là Trà Mi? - 1

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Bão quốc gia Hoa Kỳ (thuộc NOAA) là những người đầu tiên đặt tên cho các cơn bão (Ảnh: Wikipedia).

Đến năm 1953, các chuyên gia dự báo thời tiết tại Mỹ sử dụng tên do Trung tâm Bão Quốc gia (trực thuộc NOAA) chỉ định. Các nhà khoa học tại NOAA sẽ đặt tên riêng cho từng cơn bão được hình thành.

Ban đầu các nhà khoa học sử dụng tên gọi của phái nữ để đặt cho các cơn bão, trong đó cơn bão đầu tiên được mang tên là bão Maria, đặt theo tên nhân vật nữ chính trong cuốn tiểu thuyết "Storm" (Cơn bão), được viết vào năm 1941 của nhà văn Mỹ George Rippey Stewart.

Vì sao cơn bão số 6 lại có tên thuần Việt là Trà Mi? - 2

Nhân vật Maria trong cuốn tiểu thuyết "Storm" (Cơn bão) của nhà văn Mỹ George Rippey Stewart được các nhà khoa học sử dụng cho lần đặt tên bão đầu tiên (Ảnh: MyShopify).

Tuy nhiên, khi phong trào bình đẳng giới trên toàn cầu phát triển mạnh, các nhà khoa học nhận ra rằng việc sử dụng tên phái nữ để đặt cho các cơn bão có phần phân biệt giới tính. Do vậy đến năm 1979, các nhà khoa học tại NOAA đã sử dụng luân phiên tên của cả hai giới để đặt cho các cơn bão.

Chính NOAA đã khởi xướng cho việc đặt tên các cơn bão, tuy nhiên, ban đầu những tên gọi này được sử dụng trong phạm vi nước Mỹ và các nước đồng minh phương Tây, thay vì trên phạm vi toàn cầu.

Hiện tại, tên của các cơn bão được đặt bởi Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization - WMO), tổ chức chuyên môn về khí tượng của Liên Hợp Quốc, có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ).

Việc đặt tên cho các cơn bão sẽ giúp dễ nhận diện và ghi nhớ, giúp thu hút sự chú ý của công chúng để tăng cường khả năng ứng phó với bão. Ngoài ra tên riêng của các cơn bão cũng sẽ tránh gây nhầm lẫn trong trường hợp nhiều cơn bão cùng xuất hiện trong một khu vực.

Các cơn bão được đặt tên như thế nào?

WMO chịu trách nhiệm quản lý, cập nhật và dự báo thời tiết 6 khu vực bão trên thế giới, được chia theo vị trí địa lý, bao gồm Khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, Bắc Đại Tây Dương, Nam Thái Bình Dương, Bắc Ấn Độ Dương, Nam Ấn Độ Dương, Đông Nam Ấn Độ Dương

Mỗi khu vực sẽ có những cách thức đặt tên cho bão khác nhau. Chẳng hạn tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương (bao gồm Việt Nam), các quốc gia trong khu vực chịu ảnh hưởng bởi các cơn bão nhiệt đới sẽ đề cử tên gọi của các cơn bão cho WMO hay khu vực Bắc Đại Tây Dương sẽ đặt tên các cơn bão theo thứ tự bảng chữ cái…

Danh sách tên gọi các cơn bão sẽ được tái sử dụng sau mỗi 6 năm. Chẳng hạn danh sách các cơn bão năm 2024 sẽ được sử dụng lại để đặt tên cho các cơn bão vào năm 2030.

Vì sao cơn bão số 6 lại có tên thuần Việt là Trà Mi? - 3

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý việc đặt tên cho các cơn bão (Ảnh: ShutterStock).

Mỗi năm, Ủy ban Bão của WMO sẽ họp một lần. Trong cuộc họp sẽ có nội dung bàn luận về việc các nước đề cử tên mới hoặc loại bỏ tên cũ trong danh sách đặt tên cho bão. Các nước cũng có quyền kiến nghị loại bỏ tên bão do quốc gia khác đặt nếu cảm thấy tên gọi đó không phù hợp vì nhiều lý do khác nhau.

Chẳng hạn những cơn bão gây nên thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, WMO sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên bỏ phiếu để quyết định xem có nên loại bỏ tên cơn bão đó hay không để tránh gây nên những ký ức đau thương.

Việt Nam đã từng đề nghị loại bỏ tên bão Chanchu do Hàn Quốc đặt vì cơn bão này đã gây nên hậu quả nghiêm trọng khi đổ bộ vào Việt Nam năm 2006. Ngược lại, Hàn Quốc cũng đã đề nghị loại bỏ tên bão Saomai do Việt Nam đề cử khỏi danh sách tên bão vì cơn bão này cũng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Hàn Quốc trong cùng năm 2006.

Nhiều khả năng, trong thời gian tới, Việt Nam cũng sẽ yêu cầu WMO loại bỏ tên gọi Yagi do Nhật Bản đề xuất vì cơn bão này đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng tại nước ta vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua.

Tên Trà Mi của bão số 6 có phải do Việt Nam đặt hay không?

Trà Mi, cơn bão số 6 dự kiến sẽ đổ bộ vào nước ta cuối tuần này. Đây là một cơn bão lớn với đường đi hết sức phức tạp, có thể gây mưa to, gió mạnh trên một diện tích rộng lớn.

Vì sao cơn bão số 6 lại có tên thuần Việt là Trà Mi? - 4

Dự báo hướng di chuyển của bão Trà Mi trong những ngày tới (Ảnh: NCHMF).

Khi nghe tên cơn bão này, nhiều người đã phải thắc mắc liệu đây có phải là tên do Việt Nam đặt hay không và vì sao cộng đồng quốc tế lại chấp nhận cái tên này?

Như trên đã đề cập, các quốc gia trong khu vực chịu ảnh hưởng bởi các cơn bão nhiệt đới sẽ đề cử tên gọi của các cơn bão cho WMO và Việt Nam đã đề cử 10 tên gọi cho các cơn bão, bao gồm Son-Tinh (Sơn Tinh), Co-May (Cỏ may), Bavi (Ba Vì), Conson (Côn Sơn), Sonca (Sơn ca), Trami (Trà Mi), Halong (Hạ Long), Bang-Lang (Bằng lăng), Songda (Sông Đà), Saola (Sao la).

Như bạn đã thấy ở danh sách trên, Trà Mi chính là một trong 10 cái tên được Việt Nam đề cử để đặt cho các cơn bão.

Vì sao cơn bão số 6 lại có tên thuần Việt là Trà Mi? - 5

Danh sách tên gọi những cơn bão do các quốc gia trong khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đề xuất (Ảnh: WMO).

Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu tiên có những cơn bão mang tên do Việt Nam đặt, cũng như không phải lần đầu tiên xuất hiện cơn bão mang tên Trà Mi, nhưng những cơn bão này không phải lúc nào cũng đổ bộ vào chính quốc gia đã đặt tên cho nó.

Chẳng hạn cách đây 6 năm, cơn bão Trà Mi đã hình thành và ảnh hưởng đến Đài Loan (Trung Quốc), mà không hề ảnh hưởng đến Việt Nam.

Năm 2012, một cơn bão khác do Việt Nam đặt tên là Sơn Tinh đã ảnh hưởng đến Philippines, Việt Nam và Trung Quốc, khiến 10 người thiệt mạng tại Việt Nam và gây thiệt hại hàng trăm triệu USD.