Vì sao các vết thương do tự cắn vào lưỡi hiếm khi bị nhiễm trùng?

(Dân trí) - Có vô số vi khuẩn tồn tại trong khoang miệng của chúng ta, nhưng kỳ lạ là các vết thương do tự cắn vào lưỡi thường rất hiếm khi bị nhiễm trùng. Tại sao vậy?

Vì sao các vết thương do tự cắn vào lưỡi hiếm khi bị nhiễm trùng? - 1

Đã bao giờ bạn không may tự cắn rách cả lưỡi của mình chưa? Có lẽ ai trong số chúng ta cũng đã từng ít nhất một lần “tự mình làm khổ mình” như thế.

Nhưng có một sự thật khá thú vị là các vết xước ở lưỡi do chúng ta vô tình cắn phải rất hiếm khi bị nhiễm trùng dù khoang miệng của chúng ta là một trong số những bộ phận chứa nhiều vi khuẩn nhất.

Theo nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết trung bình có hàng tỷ con vi khuẩn thuộc hơn 400 loài khác nhau đang tồn tại trong khoang miệng của mỗi người. Trong đó có rất nhiều vi khuẩn xấu gây bệnh có thể xâm nhập vào các vết rách và khiến các vết thương trở nên trầm trọng hơn.


Trung bình có hàng tỷ con vi khuẩn thuộc hơn 400 loài khác nhau đang tồn tại trong khoang miệng của mỗi người.

Trung bình có hàng tỷ con vi khuẩn thuộc hơn 400 loài khác nhau đang tồn tại trong khoang miệng của mỗi người.

Vậy tại sao các vết thương hở ở lưỡi do chúng ta vô tình cắn phải lại rất hiếm khi bị nhiễm trùng, và thường có thể tự lành lại trong vài ngày?

Câu trả lời là khoang miệng của chúng ta luôn luôn được bảo vệ.

Các nhà khoa học cho biết, cả tuyến nước bọt và niêm mạc trong khoang miệng của chúng ta đều chứa globulin A (SlgA), một loại kháng thể có khả năng chống lại sự phân hủy và kháng lại các vi khuẩn gây bệnh.

Khi chúng ta vô tình cắn rách lưỡi, những kháng thể globulin A này sẽ ngay lập tức được “điều động” đến vị trí vết thương theo các tuyến nước bọt, và hình thành một lớp bảo vệ ngăn không cho các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập và làm nhiễm trùng vết thương.

Bên cạnh đó, bên trong miệng và lưỡi của chúng ta được bao phủ bởi nhiều mạch máu có chứa những chất có tính kháng khuẩn. Khi chúng ta cắn phải lưỡi, máu được tiết ra ở các vết thương hở cũng có vai trò kháng lại vi khuẩn gây bệnh giống như kháng thể globulin A.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là lưỡi và khoang miệng của chúng ta đã hoàn toàn được bảo vệ. Trong một số trường hợp, vết thương do cắn phải lưỡi vẫn có thể bị nhiễm trùng, đặc biệt là đối với người có hệ miễn dịch yếu hoặc người cao tuổi. Khi lưỡi nhiễm trùng có thể sẽ gây sốt, sưng, và để lại sẹo.

Vì vậy, phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh.

Vì sao các vết thương do tự cắn vào lưỡi hiếm khi bị nhiễm trùng? - 3

Cách tốt nhất vẫn là giữ cho khoang miệng của bạn được khỏe mạnh. Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên đánh răng hai lần mỗi ngày và hãy luôn để tâm đến việc vệ sinh răng miệng.

Bên cạnh đó hãy cẩn trọng hơn trong khi ăn để hạn chế những vết thương không mong muốn do vô tình cắn vào lưỡi. Trong trường hợp, các vết thương tự cắn vào lưỡi gây ra do răng không đều hoặc hàm bị lệch, hãy đến các cơ sở nha khoa để kiểm tra và khắc phục.

Đoàn Dương (Theo Howstuffwork/Health)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm