Vết nứt dài 112km ở Nam Cực

(Dân trí) - Một bức ảnh chụp từ trên không về một tảng băng ở Nam Cực đã cho thấy một vết nứt lớn đáng lo ngại, với kích thước có bề rộng bằng một sân bóng, đang tăng trưởng dài hơn và rộng hơn mỗi ngày.

Vết nứt lớn trên tảng băng Larsen C nhìn thấy rõ ràng khi chụp từ trên không
Vết nứt lớn trên tảng băng Larsen C nhìn thấy rõ ràng khi chụp từ trên không

Bức ảnh được chụp bởi các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ IceBridge của NASA cho thấy một vết nứt ở Larsen C – một tảng băng trôi ở ngoài khơi bán đảo Nam Cực. Khi vết nứt này lan rộng dọc theo toàn bộ tảng băng, nó sẽ tạo ra một tảng băng có kích thước bằng tiểu bang Delaware – khoảng 6.451 km2

Larsen C được gọi là một tảng băng trôi vì nó đang trôi nổi trên đại dương. Một điều rất bình thường là những tảng băng trôi sẽ vỡ ra thành những núi băng trồi, vì tuyết tích tụ dần dần và đẩy các sông băng cũ ra biển.

Nhưng tảng băng trôi dày gần 305m này thực sự rất khổng lồ, và nó đang nhanh chóng bị nứt rời khỏi bán đảo Nam Cực, nguyên nhân có thể do hiện tượng nóng lên toàn cầu mà con người gây ra.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, vết nứt này bắt đầu mở rộng từ năm 2011 và đến năm 2015 đã dài hơn 29km, tới tháng 3/2016, nó đã tăng trưởng thêm 22km chiều dài.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, vết nứt này bắt đầu mở rộng từ năm 2011 và đến năm 2015 đã dài hơn 29km, tới tháng 3/2016, nó đã tăng trưởng thêm 22km chiều dài.

Tính đến ngày 10/11, khi các nhà khoa học của IceBridge quan sát thấy vết nứt này, nó đã dài 112km và rộng hơn 91m và sâu khoảng 0,5km.

Theo chương trình khoa học Trái Đất của NASA, hình ảnh vệ tinh chỉ thấy sự tăng trưởng của nó trong năm nay. Nhóm nghiên cứu dự án MIDAS của vương quốc Anh đã nghiên cứu vết nứt này lần đầu tiên từ năm 2014 và vẫn theo dõi từ đó cho đến nay.

Larsen C là một trong bốn tảng băng trôi lớn nhất của Nam Cực và có các sông băng trên đất liền ở phía sau. Một khi tảng băng này trôi đi, các dòng sông băng đang chảy chậm sẽ có ít đi một rào cản trong hành trình về phía biển. Năm 2002, tảng băng Larsen B ở lân cận đã bị sụp đổ một phần sau khi xuất hiện một vết nứt tương tự.

Theo Dự án MIDAS, cuối cùng khi tảng băng có kích thước của tiểu bang Delaware vỡ ra, nó sẽ loại 9 -12% diện tích bề mặt của Larsen C và có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ tảng băng này.

Vậy sau bao lâu nữa thì khối băng này sẽ vỡ ra? Theo ông Joe MacGregor – nhà khoa học nghiên cứu về sông băng và địa vật lý tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA và đang nghiên cứu về vết nứt này thì “có thể là một tháng, có thể là một năm”

Ông cho biết các nhà khoa học nghiên cứu về vết nứt này càng nhiều, thì sẽ càng có thể dự đoán chính xác hơn về sự phát triển và ảnh hưởng của nó đến tảng băng và cả đại dương rộng lớn.

Khi khối băng này vỡ ra, nó sẽ trôi dạt ra biển Weddell và sau đó là Nam Đại Dương và sẽ dần tan chảy sau vài tháng.

Anh Thư (Tổng hợp)