Vật thể vũ trụ cực hiếm vừa được phát hiện trong Dải Ngân hà
(Dân trí) - Một thành viên mới của loại sao hiếm có, chỉ được biết đến với số lượng rất hạn chế, vừa được phát hiện trong Dải Ngân hà.
Vật thể này được gọi là MAXI J1816-195, nằm cách xa Trái Đất không quá 30.000 năm ánh sáng. Theo một cơ sở dữ liệu do nhà thiên văn Alessandro Patruno biên soạn, các quan sát và điều tra sơ bộ cho thấy đó là một ngôi sao xung (hay pulsar) - vốn dĩ là các sao neutron xoay rất nhanh với chùm tia X tích tụ. Trước đây, chỉ có 18 sao xung khác được quan sát thấy.
Được biết, ánh sáng từ chùm tia X phát ra từ vật thể này lần đầu tiên được phát hiện vào ngày 7/6 bởi thiết bị giám sát hình ảnh tia X bầu trời (MAXI) của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản, gắn ở bên ngoài Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.
Ngay lập tức, một nhóm các nhà vật lý thiên văn dẫn đầu bởi TS. Hitoshi Negoro thuộc Đại học Nihon ở Nhật Bản đã tuyên bố rằng họ xác định được một nguồn tia X chưa từng được biết đến trước đây, nằm trong mặt phẳng thiên hà giữa các chòm sao Nhân Mã, Thuẫn Bài và Cự Xà.
Bằng cách sử dụng Máy phân tích thành phần Sao Neutron (viết tắt là NICER), một thiết bị do NASA cung cấp có tác dụng chụp tia X, các nhà nghiên cứu thu được các xung tia X ở tần số 528,6 Hz, cho thấy rằng vật thể này đang quay với tốc độ 528,6 lần mỗi giây - cùng với tần suất của một vụ nổ nhiệt hạch tia X.
Phát hiện này cho thấy MAXI J1816-195 chính xác là một sao xung với chùm tia X mới, và các nhà vật lý thiên văn đang vô cùng phấn khích về điều này.
Ở cấp độ rất cơ bản, có thể hiểu sao xung là một loại sao neutron, với lõi của nó được hình thành do sự sụp đổ của một ngôi sao khối lượng lớn, và sau đó biến thành siêu tân tinh. Những vật thể có đặc điểm chung là rất nhỏ nhưng cô đặc, tới mức chúng có thể có khối lượng gấp khoảng 2,2 lần Mặt Trời, nhưng lại chỉ có đường kính khoảng 20 km.
Để được xếp vào loại sao xung, một ngôi sao neutron dĩ nhiên phải ... phát ra xung, hay nói cách khác đây chính là các chùm tia bức xạ được phóng ra từ các cực của ngôi sao. Do chúng thường nằm nghiêng, nên những chùm tia này quét qua Trái Đất giống như những chùm ánh sáng đến từ một ngọn hải đăng, có điều là chúng rất nhanh, với vận tốc lên tới hàng trăm lần mỗi giây.
Do số lượng cực kỳ hạn chế của các sao xung từng được biết đến trước đây, bất kỳ một đối tượng mới nào khi chúng mới xuất hiện đều được xem là một phát hiện mới, và có thể mang lại thông tin quan trọng về cách thức các đối tượng được hình thành, phát triển và hoạt động.