1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Vành đai của sao Hải Vương rực sáng đầy ma quái

Phạm Hường

(Dân trí) - Hành tinh thứ tám của hệ Mặt Trời là sao Hải Vương lấp lánh như một quả cầu pha lê rực sáng, với nhiều vành đai mỏng bao quanh trông rất kỳ diệu.

Khi nói đến vành đai của các hành tinh, sao Thổ là điển hình với những vành đai kỳ lạ không thể phủ nhận, nhưng mới đây, một ứng cử viên vừa xuất hiện "cạnh tranh" với sao Thổ nhờ một bức ảnh tuyệt đẹp được kính viễn vọng không gian James Webb ghi lại.

Vành đai của sao Hải Vương rực sáng đầy ma quái - 1

Sao Hải Vương phát sáng màu trắng kỳ lạ, hình ảnh do Kính viễn vọng Không gian James Webb ghi lại (Nguồn ảnh: NASA).

Trong bức ảnh mới do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố ngày 21/9, hành tinh thứ tám của hệ Mặt Trời là sao Hải Vương lấp lánh như một quả cầu pha lê rực sáng, với nhiều vành đai mỏng bao quanh trông rất kỳ diệu.

Trong vài thập kỷ qua, các nhà thiên văn học đã nhận thấy hành tinh băng khổng lồ nằm cách xa Mặt Trời hơn 30 lần so với cách xa Trái Đất có 5 vành đai được tạo thành chủ yếu từ bụi băng. Trong bức ảnh mới nhất này, những vành đai băng giá đó hiện lên với độ chi tiết sắc nét hơn bất kỳ hình ảnh nào trước đây chúng ta có được kể từ khi tàu thám hiểm Voyager 2 đi qua cách nó vài nghìn km vào năm 1989.

Ngoài một vài vành đai hẹp và sáng, các bức ảnh của James Webb còn thể hiện rõ nét những dải bụi mờ hơn của sao Hải Vương. "Chất lượng hình ảnh cực kỳ chính xác và ổn định giúp chúng ta thấy được cả những vành đai mờ hơn ở rất gần sao Hải Vương" - báo cáo của ESA đánh giá.

Sao Hải Vương là hành tinh nằm lơ lửng ở gần rìa của hệ Mặt Trời và là một thế giới của hoàng hôn gần như vĩnh cửu, không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nhưng trong những bức ảnh do tàu thám hiểm Voyager 2 và kính viễn vọng không gian Hubble gửi về thì ngôi sao này hiện ra dưới màu xanh lam nổi bật.

Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), màu sắc đó đến từ khí methane trong khí quyển đầy mây của sao Hải Vương và rất có thể trải khắp độ sâu bề mặt hành tinh này trước khi tan chảy thành một đại dương siêu nóng của băng tan, amonia và các hợp chất khác. Kính James Webb đã sử dụng một cảm biến đặc biệt để thu ánh sáng ở bước sóng gần hồng ngoại, nhờ đó những đám mây methane hiện ra dưới ánh sáng kỳ ảo do phản chiếu ánh sáng Mặt Trời, khiến cho hành tinh này có một màu trắng ma quái hơn.

Một đặc điểm kỳ thú nữa trong bức ảnh của James Webb là những mặt trăng của sao Hải Vương. Bảy trong số 14 mặt trăng của hành tinh này hiện lên trong bức ảnh, trong đó có mặt trăng lớn nhất có tên gọi Triton. Bảy mặt trăng này trông như những đốm sáng lóe ở góc trên bên trái. Mặc dù trông giống như một ngôi sao sáng, nhưng thực ra Triton chỉ là một hòn đá băng phản chiếu ánh sáng.

Vành đai của sao Hải Vương rực sáng đầy ma quái - 2

Hình ảnh do Kính viễn vọng Không gian James Webb chụp được cho thấy 7 trong số 14 mặt trăng của Sao Hải Vương, bao gồm cả mặt trăng sáng và lớn Triton trên cùng bên trái (Ảnh: NASA).

Được bao phủ bởi một lớp nitrogen ngưng tụ đóng băng, Triton phản chiếu trung bình 70% ánh sáng Mặt Trời chiếu vào nó. Nó sáng hơn nhiều so với sao Hải Vương vì bầu khí quyển của Hải Vương hấp thụ khí methane nên bị tối đi nhiều khi đi qua các bước sóng của kính James Webb.

Kính viễn vọng không gian James Webb bắt đầu hoạt động từ ngày 12/7/2022 và đã gửi về Trái Đất một loạt ảnh về vũ trụ vừa của các vật thể ở gần Trái Đất vừa của những hiện tượng phi thường ở rất xa. James Webb sẽ còn tiếp tục quan sát cả sao Hải Vương và mặt trăng Triton trong những năm tới đây.

Theo www.livescience.com