1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Vải Bắc Giang và hoa quả xuất khẩu sẽ được chiếu xạ ở miền Bắc

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết sẽ có trung tâm chiếu xạ vải theo đúng tiêu chuẩn ở miền Bắc, giúp bà con xuất khẩu vải sang Mỹ mà không phải đưa vào TPHCM để chiếu xạ.

Vải Bắc Giang và hoa quả xuất khẩu sẽ được chiếu xạ ở miền Bắc - 1

Vải thiều Lục Ngạn ngày càng khẳng định vai trò là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện và nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân (Ảnh: Nguyễn Bắc).

Cầm trên tay chùm vải thiều chín mọng, chị N. T. Thanh (Bắc Giang) vừa mừng vừa lo khi chỉ còn ít ngày nữa sẽ bước vào chính vụ thu hoạch trong năm.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Thanh chia sẻ "phần mừng" là ngay tại thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều để xuất khẩu sớm.

Ngoài ra, với sự tăng cường kết nối thương mại điện tử, quả vải thiều nói riêng, và các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang nói chung, trong những năm qua ngày càng được biết đến nhiều hơn, giúp cho việc quảng bá sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ được đẩy mạnh. 

Tuy nhiên, chị Thanh vẫn lo lắng khi các tỉnh miền Bắc đang đối mặt với một mùa hè nắng nóng kéo dài. Các chuyên gia cho biết đây là hệ quả từ biến đổi khí hậu kết hợp hiện tượng El Nino, được dự báo sẽ diễn ra trong năm 2023. "Nỗi lo về một mùa hạn hán, mất mùa như năm 2016 vẫn luôn còn trong tâm trí của bà con", chị Thanh cho biết.

Bên cạnh đó, những thủ tục rườm rà, phức tạp liên quan tới yêu cầu chiếu xạ quả vải vẫn luôn là một điều nan giải mà người dân các tỉnh miền Bắc phải đối mặt suốt nhiều năm nếu muốn xuất khẩu nông sản tới một số thị trường khó tính, điển hình như Mỹ.

Vải Bắc Giang và hoa quả xuất khẩu sẽ được chiếu xạ ở miền Bắc - 2

Chiếu xạ là yêu cầu bắt buộc khi xuất khẩu nông sản vào thị trường một số nước, trong đó có Mỹ (Ảnh: Tố Linh).

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Văn Thi, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, đã đại diện cho người nông dân để nêu ra những khó khăn, bất cập mà bà con trồng vải ở tỉnh Bắc Giang phải đối mặt trong suốt những năm qua.

Theo đại biểu, yêu cầu chiếu xạ là yêu cầu bắt buộc khi xuất khẩu nông sản vào thị trường một số nước, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, trong những năm qua, quả vải của tỉnh Bắc Giang luôn phải đưa vào TPHCM để chiếu xạ khiến cho chi phí, thời gian và giá thành đội lên rất nhiều.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt đã trực tiếp trả lời, cho rằng yêu cầu kỹ thuật khoa học - công nghệ của một số thị trường, như Mỹ, đúng là rất ngặt nghèo. Trong đó, trang thiết bị, cũng như các điều kiện đều phải đảm bảo theo yêu cầu của bên mua. Thậm chí, phải có cả những chuyên gia được cử sang để giám sát hoạt động chiếu xạ tại Việt Nam.

Bộ trưởng chia sẻ, thấu hiểu khó khăn của bà con trồng vải nói riêng, và các loại nông sản xuất khẩu khác ở các tỉnh miền Bắc nói chung. Đồng thời, Bộ trưởng cho biết mới đây, Bộ KH&CN đã phối hợp cùng Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương để triển khai những cuộc đàm phán với Mỹ. 

Những cuộc đàm phán này nhằm đi tới một mục đích là có thể thực hiện chiếu xạ theo đúng quy trình từ Mỹ yêu cầu tại nhiều tỉnh thành hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân trồng vải, đồng thời cắt giảm bớt những chi phí không cần thiết.

Bộ trưởng cho biết dự kiến từ nay tới cuối năm, Bộ KH&CN sẽ ra mắt trung tâm chiếu xạ vải theo đúng tiêu chuẩn ở miền Bắc. Mặc dù quy mô và lộ trình cụ thể chưa được Bộ trưởng tiết lộ, song đây vẫn được xem là tin vui với người nông dân trồng vải nói riêng và nông sản xuất khẩu nói chung ở các tỉnh miền Bắc.

Vải Bắc Giang và hoa quả xuất khẩu sẽ được chiếu xạ ở miền Bắc - 3

Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn trước Quốc hội (Ảnh: Tiến Tuấn).

Thời gian qua, cùng với sự lan tỏa rộng tại thị trường trong nước, trái vải thiều của huyện Lục Ngạn, Bắc Giang đã vươn mạnh sang thị trường Trung Quốc, Australia, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Canada, Mỹ…, được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng. 

Năm 2008, vải thiều Lục Ngạn được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu tại 8 nước, và là sản phẩm trái cây đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản vào năm 2021.

Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam cho biết, năm 2023 tổng diện tích sản xuất vải của huyện là 17.000 ha, trong đó có gần 13.500 ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; dự kiến sản lượng toàn huyện đạt khoảng 98.000 tấn.

Tính từ đầu vụ đến nay, toàn huyện đã thu hoạch, tiêu thụ được khoảng 6.000 tấn vải chín sớm, trong đó 59% sản lượng được tiêu thụ trong nước và khoảng 41% xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.