1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Uống bao nhiêu rượu sẽ say?

Minh Khôi

(Dân trí) - Trong các dịp lễ hội ở Việt Nam, đặc biệt là Tết Nguyên đán, rượu và bia được tiêu thụ mạnh khiến chúng ta là một trong số các nước có tỷ lệ người sử dụng rượu cao nhất thế giới hiện nay.

Vì sao uống rượu bị say, bị ngộ độc?

Uống bao nhiêu rượu sẽ say? - 1

Bia hay rượu là những loại đồ uống có chứa chất cồn ethanol (C2H5OH), với những nồng độ khác nhau ví dụ như bia có chứa khoảng 5% cồn, rượu vang chứa khoảng 9 - 16% cồn, rượu mạnh chứa trên 20% cồn. Đây là chất gây nghiện làm ức chế hoạt động của não bộ và hệ thống thần kinh trung ương.

Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng mà chúng ta hay gọi là "say xỉn" khi uống rượu chính là do chất ethanol. Phân tử này chỉ gồm vài nguyên tử cacbon, nhưng chính nhờ cấu trúc đơn giản cho phép nó xuyên qua màng tế bào, ẩn mình trong nhiều ngóc ngách khác nhau, tạo ra nhiều hiệu ứng hơn các phân tử phức tạp khác.

Đầu tiên, rượu vào dạ dày sẽ được hấp thụ vào máu qua đường tiêu hóa, đặc biệt là ruột non. Từ máu, rượu đi đến các cơ quan, đặc biệt những cơ quan có lưu lượng máu lớn như gan và não. Tại gan, các enzyme trong gan phá vỡ phân tử rượu nhờ enzyme ADH, biến nó thành một chất độc gọi là acetaldehyde, có thể dẫn tới ngộ độc như một hậu quả nhất thời khi uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể.

Đối với não, rượu làm tăng chất ức chế thần kinh, chất dẫn truyền thần kinh GABA, giảm chất kích thích, chất dẫn truyền thần kinh glutamate, làm giảm sự giao tiếp của các tế bào thần kinh.

Lượng rượu vừa phải giúp cơ thể, tinh thần thư giãn. Thế nhưng với lượng lớn hơn sẽ gây ngủ, và quá liều, làm cản trở hoạt động của não cần thiết cho sự sống. Trong đó, độ nhạy của não quyết định tác động của rượu lên cảm xúc, nhận thức, và hành vi - hay thường được gọi là độ say.

Một điểm cần lưu ý là các chất trong dạ dày ảnh hưởng đến khả năng đi vào máu của rượu. Vì sau khi ăn, cơ thắt môn vị, bộ phận ngăn cách dạ dày với ruột non sẽ đóng lại. Vậy nên lượng rượu đi vào máu sau khi ăn no có thể chỉ bằng 1/4 so với khi đói.

Uống bao nhiêu rượu sẽ say?

Uống bao nhiêu rượu sẽ say? - 2

Càng uống nhiều rượu, bia thì nồng độ BAC (Chú thích: nồng độ cồn trong máu, hay "Blood Alcohol Concentration") càng cao. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố có ảnh hưởng đến chỉ số này, như kích thước cơ thể, mức độ trống của dạ dày, tỷ lệ mô mỡ, giới tính, cũng độ quen khi uống rượu, bia.

Thông thường, khi mới uống 1 lon bia hoặc 1 chén rượu đầu tiên, nồng độ cồn trong máu đã được đẩy lên mức 0,01% BAC đến 0,05% BAC. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy thư giãn, vui vẻ và tự tin hơn. Ở trạng thái này, chúng ta bắt đầu có xu hướng mất đi sự ức chế và có thể hòa đồng và hướng ngoại hơn bình thường.

Ở cấp độ tiếp theo, khi lon bia thứ 2 hay chén rượu thứ 3 được rót, nồng độ cồn được đẩy lên mức 0,06% BAC tới 0,10% BAC, bắt đầu ảnh hưởng tới tâm trí ở cấp độ làm suy giảm sự tỉnh táo và khả năng phán đoán với cảm giác thấy say, tê tê, buồn ngủ, buồn nôn hoặc kích động cảm xúc.

Đây có thể được xem là "mức bắt đầu say" trong thang điểm. Tác động của rượu đối với việc lái xe ở mức này rất nguy hiểm, khi sự phối hợp nhịp nhàng của cơ thể bắt đầu giảm. Điều này giải thích rằng tại sao luật an toàn giao thông giới hạn mức nồng độ cồn trong máu khi lái xe phải dưới 0,05% BAC.

Công thức uống rượu vừa đủ, là chỉ nên uống:

- Nhỏ hơn 3 đơn vị cồn (với nam);

- Nhỏ hơn 2 đơn vị cồn (với nữ);

Trong đó, 1 đơn vị cồn = (số ml rượu x nồng độ % cồn)/1000).

(Theo Andatech).

Nếu tiếp tục uống rượu, bia, nồng độ BAC sẽ đẩy lên tới 0,11% đến 0,20%. Lúc này, chúng ta có thể bắt đầu cảm thấy đau đầu. Rượu bia bắt đầu khiến cảm xúc của bạn thay đổi sang tức giận hoặc buồn bã.

Trên 0,20% BAC là thời điểm chúng ta đã cực kỳ say xỉn. Lúc này, cơ thể có triệu chứng choáng váng, giảm thiểu cảm giác, biểu hiện bằng việc nói chậm, nói lắp, rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc gây hấn với mọi người.

Nếu vượt mức 0,30% BAC, nạn nhân bắt đầu thấy mất thị lực, mất ý thức và rơi vào trạng thái hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

Ở mức 0,40% BAC trở lên, cái chết gần như đã cận kề. Bạn sẽ khó thở và nhịp tim dần chậm lại.

Vì sao uống rượu có hại?

Uống bao nhiêu rượu sẽ say? - 3

Với đa số, uống một lượng nhỏ rượu, bia không gây ra tác hại gì đáng kể, nhưng nếu uống nhiều rượu, bia thường xuyên sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe từ nhẹ đến rất nghiêm trọng. Thí dụ như đối với miệng, rượu sẽ làm kích ứng niêm mạc trong khoang miệng, khi nồng độ cồn cao sẽ làm tăng nguy cơ ung thư miệng và họng.

Do khi vào tới dạ dày, rượu sẽ ngấm qua niêm mạc dạ dày mà không cần tham gia vào quá trình tiêu hóa giống như các loại thức ăn, nên khi uống quá nhiều, nồng độ cồn và dịch vị trong dạ dày tăng cao, gây kích thích niêm mạc dạ dày, lúc này cơ thể sẽ có phản xạ nôn mửa nhằm giảm tình trạng kích ứng. Những ai thường xuyên uống rượu khi đói có thể gây viêm loét, thậm chí gây ra tình trạng chảy máu dạ dày. 

Đối với hệ tuần hoàn, rượu thẩm thấu vào trong máu, theo máu đi đến khắp cơ thể gây ra tình trạng giãn mạch máu, tăng lưu lượng máu lên bề mặt da nên những người uống rượu thường hay đỏ mặt, cảm giác ấm áp tạm thời, sau đó cơ thể có thể bị mất nhiệt, hạ huyết áp. Đối với não, rượu gây ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát hành vi và chức năng của cơ thể. Theo thời gian, người uống sẽ bị giảm khả năng phán quyết, giảm khả năng khéo léo và đi đến mất kiểm soát hành vi.

Cần ghi nhớ rằng rượu bia trong chừng mực có thể mang đến một số lợi ích cho sức khỏe và tinh thần, nhưng tiêu thụ rượu quá mức sẽ gây ra tác dụng ngược lại.