Ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy du lịch thông minh ở Việt Nam

(Dân trí) - Thực hiện triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 6/10, Tổng cục Du lịch và Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc chủ trì Hội thảo “Du lịch thông minh - Cơ hội và thách thức đối với du lịch Việt Nam”.

Đây là sự kiện do Đại sứ quán Úc tại Việt Nam hỗ trợ và nằm trong chuỗi các chương trình hỗ trợ của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đối với Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy du lịch thông minh ở Việt Nam - 1

Du lịch trực tuyến là xu thế tất yếu

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội và các ngành kinh tế, làm thay đổi mô hình hoạt động của các công ty trong hầu hết các lĩnh vực. Thị trường du lịch toàn cầu cũng đang chứng kiến sự thay đổi với sự lên ngôi của xu hướng kinh doanh du lịch trực tuyến.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, doanh số du lịch trực tuyến trên thế giới năm 2016 tăng 13,8% và đạt giá trị khoảng 565 tỷ USD, trong đó thị trường châu Á - Thái Bình Dương vươn lên dẫn đầu thế giới về du lịch trực tuyến từ năm 2017. Tại khu vực Đông Nam Á, Google dự đoán giá trị của du lịch trực tuyến sẽ tăng từ 22 tỷ USD năm 2015 lên 90 tỷ USD vào năm 2025.

Tại Việt Nam, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cả cơ hội và thách thức cho ngành du lịch vốn đang được Đảng và Chính phủ quan tâm đặc biệt. Thị trường du lịch Việt Nam cũng đang thay đổi do sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng nhanh của du lịch trực tuyến.


Du lịch trực tuyến là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0 (ảnh minh họa)

Du lịch trực tuyến là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0 (ảnh minh họa)

Thực tế này buộc tất cả các thành phần trong ngành du lịch, từ các cơ quan quản lý nhà nước cho đến các công ty cấp sản phẩm - dịch vụ du lịch, đều đứng trước yêu cầu phải thực hiện quá trình chuyển đối số càng sớm càng tốt, hướng tới hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh của Việt Nam.

Hệ thống dữ liệu thông minh này sẽ thống nhất khối dữ liệu du lịch khổng lồ đang tản mát hiện nay, được tất cả các thành phần trong ngành du lịch cùng xây dựng và khai thác, qua đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ du lịch nhờ khả năng cá nhân hóa được xu hướng và nhu cầu của các du khách.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và giảm thiểu những tác động tiêu cực của làn sóng này ở Việt Nam, trong đó nêu rõ du lịch là một trong những ngành kinh tế được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy du lịch thông minh ở Việt Nam.

Đây là định hướng chính sách quan trọng cho ngành du lịch hướng tới các mục tiêu do Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn đã đặt ra.

Theo đó, tới năm 2020 Việt Nam sẽ thu hút được từ 17 đến 20 triệu lượt khách quốc tế (so với 10 triệu năm 2016), phục vụ 82 triệu lượt khách nội địa (so với 62 triệu năm 2016), đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD và tạo ra khoảng 4 triệu việc làm gồm 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Doanh nghiệp du lịch cần chuyển đổi số một cách quyết liệt

Chia sẻ tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương cho biết: “Du lịch là ngành mà Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để có thể tận dụng thành công cơ hội này, bản thân các doanh nghiệp du lịch cần phải sẵn sàng cho sự chuyển đổi số một cách quyết liệt”


Thứ trưởng Bộ Khoa học Công Nghệ Phạm Đại Dương.

Thứ trưởng Bộ Khoa học Công Nghệ Phạm Đại Dương.

Cũng theo Thứ trưởng Dương, những diễn biến trên các thị trường thuộc nhiều ngành nghề cho thấy, nếu các doanh nghiệp không kịp tiến hành chuyển đổi số thì tương lai phát triển của họ gần như sẽ bị đóng lại. Đây đang là xu thế không thể đảo ngược và tất cả bị đặt vào một cuộc đua mang tính sống còn.

Thứ trưởng Dương cũng cho rằng, mục tiêu chính của Hội thảo này là nhằm thiết lập và duy trì các nhóm hoạt động theo chủ đề, qua đó tiếp tục trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm cũng như giải pháp chuyển đổi số thành công sang du lịch thông minh trong thời gian tiếp theo. Trong đó, khu Công nghệ cao Hòa Lạc, nơi diễn ra hội thảo lần này, với vai trò của một khu công nghệ cao quốc gia luôn sẵn sàng chung tay hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy nhận thức về du lịch thông minh và tạo mọi điều kiện kết nối giữa các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch. Qua đó, góp phần hướng tới đạt được các mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra cho ngành du lịch nói riêng, cũng như tăng cường năng lực cho các ngành trong việc tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết thêm, hiện nay 100% các doanh nghiệp du lịch đều quan tâm sử dụng internet trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh. Tuy nhiên, ứng dụng CNTT trong đại đa số các doanh nghiệp du lịch mới dừng ở mức cơ bản, chưa khai thác được tối ưu các lợi thế của công nghệ trong cạnh tranh, thu hút khách hàng cũng như trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Trong phiên họp toàn thể của hội thảo “Du lịch thông minh - Cơ hội và thách thức đối với du lịch Việt Nam”, đại diện lãnh đạo của các đơn vị như Tổng cục Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội du lịch, Đại sứ quán Australia… sẽ đề cập đến cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy du lịch thông minh cũng như hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch ở Việt Nam hiện nay, kinh nghiệm ứng dụng CNTT vào du lịch của Australia.

Tại phiên hội thảo chuyên đề sẽ có hai chuyên đề chính xoay quanh các trụ cột của ngành du lịch. Chuyên đề thứ nhất là “Ứng dụng CNTT hướng tới Du lịch thông minh - Giải pháp cho các doanh nghiệp du lịch”, bao gồm các giải pháp du lịch thông minh cho doanh nghiệp kinh doanh khách sạn và lữ hành. Chuyên đề thứ hai là “Ứng dụng CNTT hướng tới Du lịch thông minh - Giải pháp cho các cơ quan quản lý và điểm đến du lịch”. Hàng loạt các công ty công nghệ, nhà cung cấp giải pháp cho du lịch thông minh tham gia thảo luận và trao đổi tại hai chuyên đề này. Đáng chú ý có sự xuất hiện của Tripi.vn; Bizweb… đây là các sản phẩm từng đạt cao của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt ở lĩnh vực CNTT.

Bên cạnh đó là chia sẻ từ đại diện các cơ quan quản lý như Sở du lịch Hà Nội và Trung tâm thông tin Tổng cục Du lịch, giúp đưa ra cái nhìn thực tiễn dựa trên những mô hình cụ thể để các doanh nghiệp nhận thức cơ hội và cách thức thực hiện trong quá trình chuyển đổi số, đáp ứng xu hướng phát triển mới hiện nay.

Nguyễn Hùng