1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Ứng dụng công nghệ bức xạ đạt nhiều kết quả đặc biệt

(Dân trí) - “Trong thời gian qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ trong phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả đặc biệt là trong chẩn đoán và điều trị bệnh bằng các trang thiết bị và kỹ thuật tiên tiến” - TS. Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho biết tại Hội thảo Công nghệ bức xạ tiên tiến.

Ứng dụng công nghệ bức xạ đạt nhiều kết quả đặc biệt - 1

Trong khuôn khổ sự kiện “Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ” 2017, Cục Năng lượng nguyên tử phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo Công nghệ bức xạ tiên tiến.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, bà Maria Helena de Oliveira Sampa – Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đại diện lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, đại diện các bộ, ngành, các Sở KH&CN cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các bệnh việc, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân quan tâm đến ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến.

Đánh giá tổng quan ứng dụng công nghệ bức xạ trong các lĩnh vực, TS. Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho biết, trong thời gian qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ trong phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả đặc biệt là trong chẩn đoán và điều trị bệnh bằng các trang thiết bị và kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ bức xạ trong các lĩnh vực công nghiệp chiếu xạ và xử lý bức xạ, soi chiếu an ninh hải quan.


Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử Hoàng Anh Tuấn.

Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử Hoàng Anh Tuấn.

Tiêu biểu có thể kể đến 33 cơ sở y học hạt nhân trên cả nước và chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn. Các kỹ thuật bằng SPECT và SPECT/CT đối với ung thư và di căn, các bệnh tim mạch, hệ tiêu hóa, xương khớp, hô hấp đã và đang được thực hiện có kết quả cho hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm, Một số bệnh viện có số bệnh nhân xạ hình SPECT trung bình từ 2.000 – 3.000 ca/năm. Nhiều kỹ thuật xạ trị hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế hiện đã được triển khai tại Việt Nam như điều trị ung thư tế bào gan bằng kỹ thuật gây tắc mạch bằng các vi cầu phóng xạ, kỹ thuật điều trị miễn dịch phóng xạ bằng kháng thể đơn dòng Rituzumab gắn I 131…

“Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ đã được triển khai trong lĩnh vực soi chiếu hệ thống công nghiệp, chiếu xạ thủy hải sản và nông sản, đặc biệt là hoa quả. Với 9 máy chiếu xạ ở quy mô công nghiệp tại Hà Nội,TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Cần Thơ. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những nước có số lượng các thiết bị tương đối nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á”, TS. Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm.

Đánh giá về các kết quả ứng dụng của công nghệ bức xạ hạt nhân tại Việt Nam, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, công nghệ bức xạ tiên tiến tại Việt Nam đã được ứng dụng hiệu quả và có nhiều triển vọng phát triển trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ví dụ như trong y tế có điện quang, y học hạt nhân và xạ trị; trong công nghệ bức xạ có chiếu xạ khử trùng, kiểm dịch hoa quả và thủy hải sản xuất khẩu, xử lý bức xạ biến tính vật liệu; soi chiếu container trong an ninh hải quan...

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, trên thế giới, công nghệ bức xạ được ứng dụng trong nhiều ngành kinh tế - kỹ thuật từ hơn 50 năm nay. Công nghệ bức xạ được ứng dụng để tạo ra rất nhiều sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày từ thực phẩm, trang phục, nhà cửa đến các phương tiện giao thông, truyền thông, chẩn đoán và điều trị bệnh. Trên thế giới, công nghệ bức xạ tiên tiến ngày càng được các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư và đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ.


Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng.

Ở Việt Nam, phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ quan trọng đã được đưa ra trong Chiến lược phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể và các Quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ trong các lĩnh vực như y tế, công nghiệp …

Thứ trưởng cũng cho rằng, bước sang một giai đoạn mới của phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, vai trò và đóng góp của KH&CN hạt nhân nói chung và công nghệ bức xạ cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa để phát huy tiềm năng và có đóng góp trực tiếp, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tại Hội thảo các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia trong và ngoài nước đã trao đổi thông tin, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, khai thác an toàn và hiệu quả thiết bị ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, an ninh hải quan...

Thứ trưởng Trần Văn Tùng kỳ vọng, ngoài việc đánh giá tình hình, kết quả đạt được và triển vọng phát triển, sau hội thảo có thể đưa ra các đề xuất các giải pháp, kiến nghị trong việc tăng cường hợp tác giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác giữa các cơ quan trung ương và các địa phương, hợp tác giữa các cơ quan trong nước với các chuyên gia và tổ chức quốc tế về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến.

Các bài tham luận trong nước và quốc tế cũng được trình bày như: Ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến trong y tế - hiện tại và tương lai do PGS. TS. Trần Đình Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai); Giới thiệu Dự án Viện Ứng dụng bức xạ Đà Nẵng do TS. Trần Ngọc Toàn – Phó Viện trưởng Viện NLNTVN trình bày; PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền (Viện Nghiên cứu hạt nhân) trình bày về sản xuất đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ trên lò phản ứng; TS. Chung Byung Yeoup – Viện trưởng Viện Công nghệ bức xạ tiên tiến Hàn Quốc (ARIT) giới thiệu về những kết quả nghiên cứu mới của viện ARTI..

Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi thông tin và thảo luận nhằm thúc đẩy hợp tác trong các hoạt động quản lý nhà nước, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, khai thác an toàn và hiệu quả thiết bị công nghệ bức xạ tiên tiến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Thu Hiền