UAV ngày càng được ứng dụng vào đời sống, giúp phát triển kinh tế Việt Nam

Nam Đoàn

(Dân trí) - Các nhà khoa học đánh giá máy bay không người lái (UAV, drone) hay flycam có vai trò lớn giúp phát triển ngành nông, lâm ngư nghiệp; giao thông vận tải và an ninh quốc phòng của Việt Nam.

UAV ngày càng được ứng dụng vào đời sống, giúp phát triển kinh tế Việt Nam - 1

Máy bay trinh sát do Việt Nam sản xuất (Ảnh: Mạnh Quân).

Song, điều kiện để ứng dụng các công nghệ trên vào cuộc sống còn chưa thực sự đáp ứng đủ. 

Ngày 11/11, tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (Hà Nội), Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Tư vấn và Giám định Xã hội: Giải pháp Ứng dụng Công nghệ Hàng không vào Nông lâm, Ngư nghiệp, Giao thông vận tải và An ninh Quốc phòng. 

Hội thảo quy tụ gần 20 nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ nhằm đưa ra nhiều nghiên cứu, giải pháp ứng dụng thiết bị bay phục vụ phát triển kinh tế, đời sống xã hội.

Trong đó, có những dự án đã đưa vào thử nghiệm thực tế và được đánh giá rất cao. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh, an toàn hàng không từ việc ứng dụng công nghệ này cũng đã được các chuyên gia bàn luận.

Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam (VAAST), Tiến sĩ Trần Quang Châu phát biểu tại hội thảo: "Ngành hàng không Việt Nam hơn 30 năm qua đã đạt được nhiều thành công. Dịch vụ hàng không và phi hàng không đa dạng đã thu hút nhiều hơn nhiều lượng khách quốc tế đến Việt Nam, góp phần tăng trưởng kinh tế. 

UAV ngày càng được ứng dụng vào đời sống, giúp phát triển kinh tế Việt Nam - 2

Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, Trần Quang Châu cho biết, ngành hàng không đã đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia (Ảnh: Đoàn Trung Nam).

Chúng ta tự hào về điều đó nhưng cũng không quên đi nhiệm vụ quan trọng là ứng dụng công nghệ hàng không vào các lĩnh vực khác phục vụ nền kinh tế quốc dân, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số và sự phát triển mạnh mẽ từ trí tuệ nhân tạo".

Phương tiện hàng không có vai trò lớn trong cuộc sống

Ngay từ thế kỷ trước, các quốc gia trên thế giới đã ứng dụng công nghệ hàng không (UDCNHK) vào kinh tế quốc dân và an ninh quốc phòng như việc phun thuốc trừ sâu, phân bón bằng máy bay hay dùng để cứu nạn, chữa cháy rừng…

Tại Việt Nam, đi cùng việc phát triển khoa học công nghệ, giá thành flycam, UAV, Drone ngày càng rẻ và dễ mua, nó đã được ứng dụng vào thực tế như chụp ảnh hàng không phục vụ đo trắc địa, tuần tra bảo vệ rừng và động vật hoang dã, tuần tra biên giới, phun thuốc trừ sâu.

Nghiên cứu từ Tiến sĩ Nguyễn Đình Chung và Thạc sĩ Phạm Ngọc Hùng chỉ ra, một số tòa nhà bệnh viện đã được trang bị bãi đáp trực thăng trên mái nhà với mục đích vận chuyển nhanh, cấp cứu người bệnh từ xa đến một cách nhanh chóng nhất cũng như từ những địa điểm trong các thành phố đông đúc mà không lo vấn đề tắc nghẽn giao thông.

Hay tại đảo Trường Sa, trực thăng đã vận chuyển kịp thời về đất liền một số ca cấp cứu khẩn cấp.

UAV ngày càng được ứng dụng vào đời sống, giúp phát triển kinh tế Việt Nam - 3

Trực thăng cứu hộ diễn tập cứu nạn (Ảnh: Mạnh Quân).

Trong cao điểm phòng chống dịch Covid-19, Thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng đã dùng flycam để tuần tra, mang lại hiệu quả hơn hẳn các phương pháp truyền thống khác. Bộ Công an cũng đã có đề xuất mua máy bay trực thăng chuyên dụng, UAV, tàu lượn, khinh khí cầu... trang bị cho cảnh sát cơ động.

Các kỹ sư quân sự và dân sự Việt Nam đã chế tạo thành công UAV tấn công mang thiết bị nổ cũng như phục vụ mục đích dân sự như: thả áo phao cứu sinh và thiết bị y tế lương thực thực phẩm đến vùng lũ lụt bị chia cắt.

Các UAV do Việt Nam chế tạo có thể bay cao được 5km và xa 200km bước đầu đã phục vụ đắc lực cho nông nghiệp như phun thuốc trừ sâu, tham gia chống cháy rừng, cứu sinh trên biển hay trong thương mại là sản xuất đồ chơi thông minh có điều khiển.

Các nhà khoa học còn đưa ra những đề xuất trong việc ứng dụng thiết bị hàng không để giám sát giao thông vận tải hay khảo sát thiết kế, thi công xây dựng đường giao thông. 

Nghiên cứu Nền tảng công nghệ số UTTWENet, do Tiến sĩ Đinh Quang Toàn và Đào Phúc Lâm, Viện Đổi mới sáng tạo và Kinh tế số, tập trung vào các nội dung về cấu trúc đặc điểm, tính bảo mật, an ninh an toàn mạng, ứng dụng nền tảng số UTTWENet nhằm tối ưu hóa hoạt động ngành hàng không Việt Nam.

Qua đó vận dụng công nghệ để cải thiện hiệu quả trải nghiệm nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động của toàn ngành, đảm bảo an ninh, an toàn, giảm chi phí và tăng lợi nhuận bền vững cho ngành hàng không

Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông vận tải, Đại tá, Tiến sĩ Hoàng Nam Nhất, VAAST đánh giá: Việt Nam là quốc gia có hệ thống giao thông đường thủy dày đặc, đây sẽ là lợi ích lớn nếu chúng ta đưa phương tiện thủy phi cơ để vận chuyển hành khách, hàng hóa. Hiện tại Bộ Quốc phòng cũng đang có những nghiên cứu lớn về loại phương tiện này". 

Điều này hướng tới triển vọng phát triển thị trường vận tải bằng đường biển của Việt Nam và nhóm nước châu Á-Thái Bình Dương được định hướng bởi việc tạo ra thế hệ mới các loại tàu dưới dạng thủy phi cơ để hoạt động, trong hệ thống vận tải đường biển với tốc độ hiện đại rất hiệu quả về kinh tế so với phà biển, tàu cánh bướm.

Thách thức 

Bên cạnh những lợi ích to lớn về công nghệ hàng không trong việc phát triển kinh tế các lĩnh vực liên quan. Các nhà khoa học cũng đưa ra nhiều thách thức từ vấn đề này để bàn luận, và đưa ra những giải pháp.

UAV ngày càng được ứng dụng vào đời sống, giúp phát triển kinh tế Việt Nam - 4

Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo (Ảnh: Đoàn Trung Nam).

Tiến sĩ Hoàng Nam Nhất cho biết, liên quan đến vấn đề an ninh, đã ghi nhận những thiết bị bay không xác định. Sau khi, quân đội khống chế và thu giữ đã phát hiện camera rất nhỏ giấu kín trong phương tiện này. 

Hay việc mở rộng đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hàng không phụ thuộc vào nhiều yếu tố kinh tế kỹ thuật hiện có trong nước. Chính những khó khăn này một phần hạn chế phát triển hỗ trợ các ngành nông lâm nghiệp, an ninh quốc phòng.

Các nhà khoa học, đánh giá công nghệ hàng không đóng góp vào các lĩnh vực khác còn khiêm tốn. Song chúng ta cũng đã có những bước đi ban đầu rất đáng hoan nghênh. 

Theo đó, ngành hàng không Việt Nam cần phải có một giải pháp hợp tác chặt chẽ với nông lâm, ngư nghiệp, giao thông vận tải và an ninh quốc phòng trong việc xây dựng quy hoạch định hướng phối hợp. Đi cùng với đó, ngành cần quyết tâm cao hơn, có nhiều khát vọng đưa công nghệ hàng không vào những điều trên. 

"Công nghệ hàng không tại Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu trở thành lĩnh vực xứng tầm với mong mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân", Chủ tịch Hội Khoa học Công nghệ Hàng không Việt Nam kết luận.