1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Tục lệ mai táng có từ bao giờ?

Phạm Hường

(Dân trí) - Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện ra ngôi mộ của một đứa trẻ 3 tuổi được chôn cách đây 78.000 năm. Đây được coi là bằng chứng xưa nhất của tục lệ mai táng của người châu Phi.

Tục lệ mai táng có từ bao giờ? - 1

Các nhà nghiên cứu sử dụng máy tính để dựng hình tái cấu trúc những mảnh xương tìm thấy trong mộ. Ảnh: Reuters.

Hài cốt của đứa trẻ này được tìm thấy trong hang Panga ya Saidi ở vùng bờ biển Kenya. Vị trí các mảnh xương cho thấy đứa trẻ đã được đặt nằm cẩn thận ở tư thế mà những người chôn cất mong muốn. Dường như những người thân đã tiến hành một nghi lễ trang trọng để tiễn đưa đứa bé về thế giới bên kia.

Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là bằng chứng sớm nhất của tang lễ mà người hiện đại ở châu Phi thực hiện và cũng có thể là bằng chứng đầu tiên cho thấy con người biết bày tỏ nỗi đau và có những nghi lễ tiễn biệt người đã chết.

Đứa trẻ được chôn trong một huyệt mộ nông ở gần cửa hang. Các nhà nghiên cứu cho biết đứa trẻ đã được chôn ngay sau khi qua đời và xác phân hủy trong mộ. Họ đã đặt biệt hiệu cho bé là "Mtoto", có nghĩa là "em bé" trong tiếng Swahili. Xác của Mtoto được đặt ở tư thế nằm nghiêng sang bên phải với hai chân co lên sát ngực.

Tục lệ mai táng có từ bao giờ? - 2

Các chuyên gia cho rằng đứa trẻ được đặt nằm rất cẩn thận ở tư thế như đang ngủ. Ảnh: AFP.

Tục lệ mai táng có từ bao giờ? - 3

Phân tích xương cho thấy đứa trẻ lên mấy tuổi khi chết và được chôn cách đây bao nhiêu năm. Ảnh: AFP.

Giáo sư María Martinón-Torres, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về Tiến hóa của loài người (CENIEH) ở Tây Ban Nha - cơ quan hỗ trợ việc phân tích xác của Mtoto - cho biết vị trí và góc nghiêng của xương sọ trong mộ cho thấy có một vật dùng để đỡ cho đầu, có thể là một chiếc gối, chứng tỏ cộng đồng đã tiến hành một số nghi lễ chôn cất. Những nghi lễ này có vẻ khá phức tạp và cần sự tham gia của nhiều người. 

Trên thực tế, bộ xương trẻ em này đã được phát hiện từ năm 2013, nhưng mãi đến năm 2017 các nhà nghiên cứu mới nhận ra tầm quan trọng của nó. Những mảnh xương được tìm thấy trong tình trạng rất dễ bị hỏng nếu tiến hành xem xét ngay tại chỗ, vì thế các nhà nghiên cứu đã đưa những di tích này về phòng thí nghiệm của CENIEH.

Tục lệ mai táng có từ bao giờ? - 4

Các mảnh xương được tìm thấy ở hang Panga ya Saidi ở Kenya. Ảnh: Reuters.

Nhờ phương pháp xác định niên đại bằng phát quang, các nhà nghiên cứu biết rằng bộ xương đã có tuổi đời 78.000 năm. Do đó, họ cho rằng nó là bằng chứng của tục mai táng người chết cổ xưa nhất ở châu Phi.

Ngoài bộ xương này, các nhà khảo cổ học còn phát hiện ra bộ xương của một người mẹ và đứa con trong hang Qafzeh, Nazareth, Israel là bằng chứng cho thấy con người đã tiến hành nghi lễ chôn người chết cách đây khoảng 90.000 đến 100.000 năm. Còn ở châu Âu và châu Á, con người đã có tục mai táng từ cách đây 120.000 năm, từ thời người Neanderthal và người Thông minh (Homo sapiens) sinh sống.

Giáo sư Michael Petraglia ở Viện Nghiên cứu Phát triển con người Max Planck, Đức, cho rằng ngôi mộ của đứa trẻ ở Panga ya Saidi chứng tỏ việc chôn cất người chết là một tập tục văn hóa mà cả người Neanderthal và người Thông minh đều thực hiện. 

Phát hiện này gợi ra những câu hỏi về nguồn gốc và quá trình biến đổi của các tập tục tang lễ giữa hai loài người có mối liên hệ rất gần gũi với nhau là người Neanderthal và người Thông minh, cũng như mức độ thể hiện thái độ và hành vi giữa hai loài người này khác nhau như thế nào.