Từ thợ sửa xe đạp đến nhà sáng chế nổi tiếng khắp vùng xứ Nẫu
(Dân trí) - Xuất thân là thợ sửa xe đạp nhưng với đam mê học hỏi, ông Nguyễn Ngôn (55 tuổi, ở khu phố Vĩnh Phụng 2, phường Hoài Xuân, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) đã sáng tạo nhiều máy móc hữu ích giúp nông dân.
Theo ông Ngôn, nghề chính trước đây của ông là sửa chữa xe đạp để mưu sinh. Khi xã hội phát triển, xe máy lại dần trở thành phương tiện chính của người dân ở địa phương, ông lại học thêm nghề sửa chữa xe máy. Qua mấy chục năm sống với nghề, ông Ngôn giờ là người "đa nghề", từ sửa xe đạp, xe máy, máy nổ, gò hàn, rèn cuốc, xẻng, dao.
Từ thực tiễn trong công việc hàng ngày và tính ham học hỏi, ông Ngôn đã tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo nhiều máy móc, thiết bị có tính ứng dụng cao, góp phần giảm sức lao động, nâng cao năng suất… Trong đó, phải kể đến như máy lẩy hạt bắp (máy tách hạt ngô), máy xay giò chả, máy băm thân cây phục vụ trong chăn nuôi, hay máy quạt lúa…
Những sản phẩm sáng tạo của ông Ngôn, sau khi đã sử dụng đều được người dân đánh giá rất cao, nhưng chưa bao giờ ông tự nhận sản phẩm của mình là tối ưu.
"Những chiếc máy tôi chế tạo ra, trên thị trường đều có cả. Bởi cơ chế hoạt động, cấu trúc thì về tổng thể nguyên lý làm việc đều giống nhau. Vấn đề ở đây, tôi chỉ khắc phục những khuyết điểm, hạn chế để tạo ra chiếc máy ưu việt nhất, có độ bền cao, giá thành thấp phục vụ người dân quê hương mình", ông Ngôn nói.
Chia sẻ về máy băm thân cây phục vụ chăn nuôi là giải pháp đạt giải nhất năm 2021, ông Ngôn cho hay, máy chạy bằng động cơ điện, được ông làm ra cách đây khoảng gần 10 năm, nhiều nông dân đã mua sử dụng và khá tín nhiệm. Tuy nhiên, sau khi sử dụng 3 - 4 năm khung máy rỉ sét, một số bộ phận hao mòn nhanh dễ hư hỏng...
Xứ Nẫu là cụm từ thân thương và đặc biệt để nói về vùng đất Bình Định, Phú Yên.
Ông Ngôn cho rằng, đặc tính cây chuối, các loại rau có mủ có tính a xít nên ăn mòn sắt. Trong khi làm bằng thùng phuy nhựa Thái Lan khắc phục được nhược điểm trên, giá thành vừa rẻ. Hơn nữa, còn tận dụng đồ đã qua sử dụng của ngư dân thải ra góp phần bảo vệ môi trường, còn nếu làm bằng inox chi phí rất cao.
"Nghe khách hàng phản hồi về độ bền, tôi trăn trở, cố gắng cải tiến. Tôi dùng thùng phuy nhựa làm thùng máy, những chi tiết hao mòn nhanh thì tôi cải tiến, thay đổi chất liệu. Thiết kế lại để có thể tháo lắp sửa chữa, thay thế phụ kiện dễ dàng hơn. Sau cải tiến, bà con sử dụng rất hài lòng và đánh giá gần như là hoàn hảo. Đến nay, tôi đã bán ra thị trường hàng trăm sản phẩm", ông Ngôn chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Tắc (47 tuổi, khu phố An Vinh 1, phường Hoài Thanh) chia sẻ: "Nghe tôi đặt làm chiếc máy băm thân cây này, nhiều người dân trong xóm háo hức chờ khi đưa về máy hoạt động hiệu quả thì họ sẽ đặt hàng làm. Nhà nông, hầu như hộ nào cũng chăn nuôi con heo, bò, gà, vịt… bình thường thái chuối, băm rau vừa cực khổ, vừa mất thời gian. Có chiếc máy này, người nông dân đỡ vất vả và có thời gian làm công việc khác".
Ngoài máy băm thân cây đạt giải nhất, năm 2012, ông Ngôn còn đạt giải 3 với sáng tạo máy tách hạt ngô; bằng khen của Hội nông dân tỉnh Bình Định trong phong trào nông dân thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015.
"Nói không phải khoe khoang, so với máy tách hạt ngô ngoài thị trường thì máy do tôi chế tạo được người dân đánh giá rất cao. Có người tận huyện Hoài Ân lần mò, dò hỏi xuống nhà đặt mua máy nhưng họ không biết địa chỉ nên nhiều lần đi mới tìm ra nhà. Một số người dân ở địa phương làm rẫy ở tỉnh Gia Lai cũng đặt máy của tôi", ông Ngôn nói.
Ông Ngôn cho rằng, hiện ngoài thị trường máy gì cũng có nhưng nếu làm không năng suất thì sẽ tự đào thải. Đó là quy tắc.