Từ dấu chân phát hiện ra hành trình nguy hiểm của một đứa trẻ thời tiền sử

Phạm Hường

(Dân trí) - Voi ma mút và những con lười khổng lồ đang di chuyển thì một người trẻ tuổi cùng với một đứa bé nhanh chóng len qua.

Từ dấu chân phát hiện ra hành trình nguy hiểm của một đứa trẻ thời tiền sử - 1

Vệt dấu chân người từ Thế Cánh Tân chạy dài gần 2km, trong đó có ít nhất 427 dấu chân người. Các nhà nghiên cứu cho rằng cả lượt đi và về của chuyến đi này chỉ kéo dài trong vài giờ.

Vài nghìn năm trước, một người trẻ tuổi đi chân trần qua một vùng đất bùn lầy. Người đó bế theo một đứa trẻ nhỏ. Ngay phía chân trời là những con voi ma mút và những con lười mặt đất. Đó là một chuyến đi nguy hiểm và các nhà khoa học đã tái dựng lại chuyến đi này qua nghiên cứu kỹ lưỡng những dấu chân vô cùng đặc biệt của người và vật mới được tìm thấy ở Tây Nam nước Mỹ.

Nhà nhân chủng học Neil Thomas Roach của Trường đại học Harvard, Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu này, nói rằng đây làm một vệt dấu chân kỳ lạ, hiếm khi được bảo tồn tốt như vậy và thu hút rất nhiều chú ý của giới nghiên cứu.

Cho đến nay, đây là một trong những tập hợp dấu chân lớn nhất của Thế Cánh Tân còn lại đến ngày nay. Nghiên cứu các dấu chân này càng khẳng định các dấu chân hóa thạch cho biết nhiều thông tin hơn là xương hóa thạch. Nhà cổ sinh vật học Sally C. Reynolds của Trường đại học Bournemouth, Anh, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết hiếm khi người ta tìm hiểu được hành vi thông qua xương nhưng dấu chân có thể cho thấy rất nhiều về các hoạt động, tương tác của động vật. 

Từ dấu chân phát hiện ra hành trình nguy hiểm của một đứa trẻ thời tiền sử - 2

Người đi bộ đi ngang qua một cồn cát trong Công viên quốc gia Cát Trắng ở New Mexico năm 2020.

Chuyến đi của người trẻ tuổi cùng với đứa trẻ thời tiền sử được xác định qua dấu chân tìm thấy ở Công viên quốc gia Cát Trắng, New Mexico, Mỹ, vào năm 2017. Vệt dấu chân này dài gần 2 km và có ít nhất 427 dấu chân người. Các nhà nghiên cứu cho rằng cả lượt đi và về của chuyến đi này kéo dài trong vài giờ. 

Phần lớn những dấu chân người được tìm thấy là của một người lớn đi chân trần. Người này có thể là nữ, cao khoảng 1,8 mét. Cứ khoảng 90 mét lại có một vài dấu chân nhỏ hơn rất nhiều xuất hiện bên cạnh ở vệt hành trình đi về hướng Bắc. Dựa vào các mô hình kỹ thuật số ba chiều, các nhà nghiên cứu cho rằng một đứa trẻ khoảng 3 hoặc 4 tuổi được bế theo và thỉnh thoảng được đặt xuống nền đất bùn để người lớn chỉnh lại đồ đạc cõng theo. Không có dấu chân của đứa trẻ ở vệt hành trình đi về phía Nam, vì thế có thể đứa trẻ đã không đi cùng ở lượt đi này.

Có vẻ như đứa trẻ được người lớn bế bên hông trái. Có một chút bất đối xứng giữa vệt chân trái và vệt chân phải của chặng đường đi về phương Bắc. Điều này phù hợp với đặc điểm của một người mang theo một khối lượng lớn ở nửa trái của cơ thể. 

Nhà cổ sinh vật học Reynolds và các đồng nghiệp ước tính rằng người này đi với tốc độ khoảng 6,4 km/ giờ, tức là tương đương với chúng ta bước vội để bắt kịp xe buýt và tức là đây không phải một cuộc dạo chơi. Những bước chân vội vã này có thể là vì đứa bé. Bà Reynolds nhận định “vì sao anh cần đi nhanh như vậy mà còn bế theo một đứa bé nếu không phải vì chính đứa bé đó?”

Từ dấu chân phát hiện ra hành trình nguy hiểm của một đứa trẻ thời tiền sử - 3

Một dấu chân người được tìm thấy nằm trong một dấu chân con lười khổng lồ ở Công viên Cát Trắng.

Tuy nhiên, cũng còn một lý do khác khiến người đó phải vội vàng. Đó là sự xuất hiện của những con thú lớn có thể gây nguy hiểm. Dấu vết cho thấy cả một con lười to lớn và một con voi ma mút cũng thong thả bước cùng với con người. Dấu chân của chúng xuất hiện phía trên của những bước chân người hướng về phương Bắc và phía dưới của bước chân người ở hành trình về phương Nam, chứng tỏ những con thú này đã đi vào thời gian giữa hai chặng đường mà con người đã đi.

Dựa vào kích thước của dấu chân thì con voi ma mút này to cỡ một con bò rừng, có vẻ không quan tâm đến những con người đi trước nó vài giờ đồng hồ, vì dấu vết cho thấy không có phản ứng nào khác lạ. Còn con lười khổng lồ thì dừng lại và đảo một vòng khi nó gặp dấu chân người. Phản ứng này của con lười cho thấy hai con người đã đưa họ vào tầm ngắm là thức ăn của con thú kia.

Nhóm nghiên cứu hy vọng các nghiên cứu tiếp theo sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về những con người đã từng cư ngụ ở vùng đất này. Ví dụ như để trả lời câu hỏi họ có sống theo lối di cư theo mùa hay không, và nhiều đặc điểm khác nữa để phác họa nên bức tranh cuộc sống của người xưa.