Trung Quốc lên kế hoạch đâm vào tiểu hành tinh để bảo vệ Trái Đất

T.Thủy

(Dân trí) - Chính phủ Trung Quốc đang lên kế hoạch cho sứ mệnh làm chệch hướng di chuyển của một tiểu hành tinh để bảo vệ Trái Đất tránh khỏi một vụ va chạm nguy hiểm.

Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã công bố kế hoạch thực hiện một sứ mệnh va chạm với tiểu hành tinh 2015 XF261, nhằm ngăn chặn nguy cơ va chạm với Trái Đất.

Theo dữ liệu từ Phòng thí nghiệm Động cơ Phản lực (JPL) của NASA, tiểu hành tinh 2015 XF261 di chuyển với tốc độ khoảng 42.000 km/giờ, nhanh gấp 30 lần tốc độ âm thanh. Lần gần nhất tiểu hành tinh này bay đến gần Trái Đất là vào ngày 9/7 vừa qua, khi bay cách hành tinh của chúng ta 50 triệu kilomet.

Trung Quốc lên kế hoạch đâm vào tiểu hành tinh để bảo vệ Trái Đất - 1

Trung Quốc sẽ phóng tàu vũ trụ để làm lệch hướng tiểu hành tinh nhằm bảo vệ Trái Đất (Ảnh minh họa: Space).

Kế hoạch của CNSA là phóng một tàu vũ trụ để va chạm với tiểu hành tinh 2015 XF261. Một tàu vũ trụ khác sẽ thu thập mảnh vỡ của tiểu hành tinh này để giúp các nhà khoa học nghiên cứu thêm về hệ Mặt Trời và sự hình thành của nó. CNSA cũng sẽ giám sát hướng di chuyển của 2015 XF261 trong khoảng 6 tháng đến một năm sau va chạm để đánh giá hiệu quả của quá trình "đánh chặn".

Các tiểu hành tinh như 2015 XF261 được cho là tạo ra từ vật chất còn sót lại sau khi các hành tinh hình thành cách đây khoảng 4,6 tỷ năm. Việc nghiên cứu các tiểu hành tinh này sẽ cung cấp cơ hội biết thêm thông tin về quá trình hình thành hệ Mặt Trời, bao gồm cả Trái Đất.

2015 XF261 sẽ bay gần Trái Đất một lần nữa vào tháng 3 và tháng 5/2025, trong đó lần gần nhất sẽ ở cách Trái Đất 32 triệu ki-lô-mét. Nếu quá trình đánh chặn thất bại, CNSA sẽ có cơ hội khác để làm chuyển hướng tiểu hành tinh 2015 XF261 vào tháng 4/2028, khi tiểu hành tinh này bay qua Trái Đất ở khoảng cách 21 triệu kilomet.

Tuy nhiên, hai cơ hội tốt nhất để làm chuyển hướng 2015 XF261 là vào tháng 4/2029, khi tiểu hành tinh này bay gần Trái Đất nhất, chỉ cách 6,8 triệu kilomet và vào tháng 4/2030, khi 2015 XF261 chỉ cách Trái Đất 7,1 triệu kilomet. CNSA sẽ phải tính toán thời gian phóng tàu vũ trụ phù hợp để đón đầu và làm chuyển hướng tiểu hành tinh này.

Đây không phải là lần đầu tiên CNSA đề xuất sứ mệnh va chạm làm chuyển hướng tiểu hành tinh để bảo vệ Trái Đất. Năm 2023, CNSA đã lên kế hoạch cho một sứ mệnh phòng thủ hành tinh bằng tàu vũ trụ vào năm 2025, nhắm đến tiểu hành tinh 2019 VL5. Tuy nhiên, giờ đây CNSA đã chuyển mục tiêu sang tiểu hành tinh 2015 XF261.

Sứ mệnh làm chuyển hướng tiểu hành tinh để tránh va chạm với Trái Đất của CNSA được xem là động thái để Trung Quốc trình diễn các tiến bộ về khoa học vũ trụ, giúp quốc gia này cạnh tranh với các cường quốc vũ trụ khác như Nga và Mỹ.

Trước đó, Trung Quốc đã ghi dấu ấn khi là quốc gia đầu tiên có tàu vũ trụ hạ cánh ở mặt tối của Mặt Trăng (tàu Hằng Nga 4) và thu thập, đưa về Trái Đất mẫu đất đá từ mặt tối của Mặt Trăng.

Trung Quốc hiện là quốc gia thứ 3 trên thế giới, sau Nga (trước đây là Liên Xô) và Mỹ, có khả năng đưa người vào vũ trụ. Phi hành gia Dương Lợi Vĩ đã trở thành người Trung Quốc đầu tiên bay vào không gian trên tàu vũ trụ Thần Châu 5 do Trung Quốc tự phát triển vào năm 2003.

Theo UL/LS