Trung Quốc đào tạo 500 giáo viên trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
(Dân trí) - Một chương trình của Chính phủ Trung Quốc đang đào tạo 500 giáo viên đại học và 5.000 sinh viên trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Chương trình được tổ chức bởi Bộ Giáo dục, Đại học Bắc Kinh và các vườn ươm đổi mới ở Bắc Kinh và kéo dài trong 5 năm.
Năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một văn bản phát triển AI, nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo tài năng AI và thu hút các chuyên gia AI hàng đầu thế giới tới Trung Quốc.
Chương trình mới nhắm mục tiêu vào giáo viên và học sinh. Họ sẽ tham gia các khóa đào tạo. Giáo viên của khóa học bao gồm nhà khoa học máy tính người Mỹ John E. Hopcroft, người nhận Giải thưởng A.M. Turing và Kai-Fu Lee - nhà tư bản mạo hiểm và là người đứng đầu đơn vị nghiên cứu Innovation Works ở Bắc Kinh. Chương trình sẽ đào tạo 100 giáo viên và 300 sinh viên trong năm 2018.
Phó hiệu trưởng trường Đại học Bắc Kinh, Tian Gang, cho biết nhà trường hy vọng chương trình sẽ trở thành một mô hình có thể được mở rộng trong các trường đại học trên khắp Trung Quốc.
Bộ Giáo dục Trung Quốc (MOE) sẽ thúc đẩy hoạt động phát triển công nghệ AI tại các trường đại học của nước này.
MOE đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể, trong đó khuyến khích các trường đại học trên toàn quốc tối ưu hóa hệ thống nghiên cứu và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu sáng tạo khoa học, đặc biệt là sự phát triển của AI thế hệ mới. Mục tiêu của chương trình này là tới năm 2030, các trường đại học của Trung Quốc sẽ trở thành nòng cốt của các trung tâm sáng tạo AI lớn trên toàn thế giới, có khả năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của Trung Quốc về đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật và chuyên gia trong lĩnh vực AI.
Kế hoạch của MOE yêu cầu các trường đại học của Trung Quốc liên kết công nghệ AI với những lĩnh vực khoa học khác như khoa học máy tính, toán học, tâm lý học và xã hội học. Bên cạnh đó, MOE cũng kêu gọi tăng cường công tác nghiên cứu cơ bản, thiết lập thêm các trung tâm AI và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Theo Nhật báo Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, trong năm 2017 đã có 19 trường đại học của nước này được bổ sung vào danh sách những trung tâm lớn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ thông minh.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tranh giành vị trí đứng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển AI toàn cầu. Hiện tại, Trung Quốc đang chậm hơn Hoa Kỳ trong mọi lĩnh vực từ phát triển phần cứng Al, nghiên cứu, thuật toán đến thương mại hóa công nghiệp chỉ ngoại trừ dữ liệu lớn (Big Data), theo báo cáo gần đây của Đại học Oxford. Điều duy nhất khiến Trung Quốc trở nên lớn mạnh về Al và Big Data là bởi họ không có những quy định luật pháp nghiêm khắc để bảo vệ dữ liệu cá nhân.
N.M.P-NASATI (Theo Cordis)