Triệu chứng của bệnh Parkinson có thể chậm lại nhờ tập thể dục

(Dân trí) - Các chuyên gia cho biết, các phân tử protein tăng lên cùng với tập thể dục dường như ngăn ngừa sự tiến triển các triệu chứng của bệnh Parkinson và có thể là chìa khóa cho các phương pháp điều trị trong tương lai.


Nghiên cứu tìm thấy các phân tử protein bảo vệ não tăng lên khi hoạt động thể chất.

Nghiên cứu tìm thấy các phân tử protein bảo vệ não tăng lên khi hoạt động thể chất.

Đặc điểm phổ biến nhất của bệnh Parkinson là run cơ không tự chủ, cũng như sự vận động chậm và các cơ cứng hoặc không linh động, kèm theo nhiều vấn đề về thể chất và tâm lý khác.

Các triệu chứng này là do các tế bào thần kinh bị chết trong một phần của não liên quan đến việc sản xuất chất dẫn truyền thần kinh, chất này rất quan trọng cho sự vận động của con người.

Các bác sĩ của Trường Y khoa Đại học Colorado tin rằng tập thể dục nhiều có thể liên quan đến việc tăng sản xuất một phân tử protein bảo vệ não, DJ-1.

Các nhà nghiên cứu tin rằng DJ-1 đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa sự hình thành các phân tử khiếm khuyết tạo thành các khối protein có hại, được gọi là các cơ quan Lewy, trong não của bệnh nhân Parkinson.

Con người có đột biến gen DJ-1 không sản sinh ra phân tử protein, và gần như chắc chắn sẽ phát triển bệnh Parkinson khi còn trẻ.

Các chuyên gia độc lập cho biết những phát hiện này đang ở giai đoạn rất sớm, và những gợi ý cho bệnh nhân vẫn còn hạn chế vì nghiên cứu này mới thực hiện ở chuột.

Tuy nhiên, giáo sư David Dexter, phó giám đốc nghiên cứu về Parkinson ở Anh và giáo sư về bệnh lý thần kinh ở Đại học Hoàng gia London cho biết những phát hiện này thật thú vị, thậm chí vượt khỏi ý tưởng "nghi ngờ lâu nay" rằng tập thể dục có lợi cho việc làm chậm lại căn bệnh này.

"Nghiên cứu đặc biệt thú vị khi cũng đưa ra một số giải thích về cách tập thể dục thực sự giúp ích cho tăng cường mức độ bảo vệ protein DJ-1", giáo sư chia sẻ.

"Điều này có nghĩa là, nếu chúng ta có thể tìm thấy chính xác những gì làm tăng DJ-1, có thể có cách để tạo ra phương pháp điều trị có thể làm chậm lại sự tiến triển của tình trạng này".

Và theo Giáo sư Dexter, nghiên cứu cũng chỉ ra "trí nhớ có thể được cải thiện bằng cách gia tăng mức độ của DJ-1 - cái mà chưa bao giờ được báo cáo trước đó".

Nghiên cứu này, được công bố trên tạp chí PLOS ONE, đã thử nghiệm trên những con chuột mắc bệnh Parkinson, với bánh xe tập thể dục, rồi đánh giá kết quả thể chất và tinh thần trong bài kiểm tra mê cung và tập thể dục.

Sau ba tháng, hiệu suất của những bài kiểm tra này "tốt hơn đáng kể ở những con vật chạy xe so với những con vật điều khiển bánh xe bị khóa".

Tiến sĩ Curt Freed, giáo sư y khoa và trưởng phòng Dược lâm sàng và chất độc học tại trường y CU, nói: "Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng tập thể dục có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh Parkinson bằng cách kích hoạt gen bảo vệ DJ-1 và do đó ngăn sự tích tụ protein bất thường trong não".

Điều này "là cốt lõi" với bệnh Parkinson, và "với những người có bệnh Parkinson, tập thể dục dường như có thể giữ cho các tế bào não khỏi chết."

Tuy nhiên, giáo sư John Hardy, giáo sư về thần kinh học tại Đại học London, tỏ ra hoài nghi về những kết luận rút ra trước khi có thử nghiệm trên người.

"Báo cáo này tuyên bố rằng bài tập thể dục có thể ảnh hưởng đến sinh học cơ bản của diễn biến bệnh, nhưng nó không chứng minh được điều đó. Mặc dù vậy, nó cũng là gợi ý ​​rằng vấn đề này đáng được điều tra trong các thử nghiệm con người thực”.

Đào Hiền (Theo Independent)