1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Trăn anaconda thiệt mạng vì ăn nhầm con mồi "khó xơi"

T.Thủy

(Dân trí) - Tưởng rằng sẽ có một bữa no khi săn được mồi, trăn anaconda không ngờ rằng đó lại là bữa ăn cuối cùng của đời mình và nó đã phải nhận một cái chết đầy đau đớn.

Huấn luyện viên câu cá Rony Dronov trong lúc dẫn các học viên đi câu trên một con sông gần thành phố Dourados (bang Mato Grosso do Sul, Brazil) đã phát hiện xác của một con trăn anaconda nổi trên mặt nước.

Rony Dronov đã kéo xác con trăn dài gần 4m đến một vùng nước nông để kiểm tra nguyên do khiến con vật thiệt mạng, thì nhận ra chính con mồi trong bữa ăn gần nhất đã khiến kẻ săn mồi phải trả giá bằng cả mạng sống.

Theo đó, trăn anaconda trong lúc nuốt một con cá cỡ lớn đã bị phần vây sắc nhọn của cá đâm thủng họng, khiến cả 2 đều thiệt mạng.

"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng này. Khi cố gắng nuốt chửng con cá cỡ lớn, phần vây sắc nhọn của cá đã đâm xuyên qua da trăn, giết chết kẻ săn mồi. Tôi vô cùng ấn tượng với cơ chế phòng vệ của cá. Mặc dù con cá không thoát ra được, nhưng nó cũng khiến cho kẻ săn mồi phải bỏ mạng theo mình", Rony Dronov bình luận.

Trăn anaconda thiệt mạng vì ăn nhầm con mồi "khó xơi" (Video: Newsflare).

Con trăn xấu số trong tình huống kể trên là một cá thể trăn anaconda vàng. Đây là một trong những loài bò sát lớn nhất thế giới, nhưng kích thước của anaconda vàng vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với họ hàng gần của nó là trăn anaconda xanh.

Trăn anaconda vàng trưởng thành dài từ 3,3 đến 4,4m với cân nặng khoảng từ 25 đến 35kg; trong đó những cá thể cái dài và nặng hơn con đực. Đã ghi nhận được trường hợp trăn anaconda vàng dài 4,6m và nặng gần 60kg.

Trăn anaconda vàng sống đơn độc, có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm. Loài trăn này dành phần lớn thời gian trong ngày để ngâm mình dưới nước nên thường được gọi là trăn nước.

Giống như tất cả các loài trăn khác, anaconda vàng không có nọc độc và giết chết con mồi bằng cách siết chặt, khiến con mồi bị chết ngạt hoặc chảy máu bên trong rồi chết. Sau khi con mồi chết, trăn anaconda sẽ nuốt chửng toàn bộ bữa ăn vào trong bụng. Loài trăn này ăn nhiều loài động vật khác nhau tùy thuộc vào kích thước của trăn, bao gồm các loài động vật cỡ nhỏ như cá, chim, động vật gặm nhấm đến các loài có kích thước lớn như lợn rừng, hươu, nai… chúng đôi khi tấn công và ăn thịt cá sấu, thậm chí ăn thịt cả đồng loại trong điều kiện thức ăn thiếu thốn.

Mặc dù có kích thước lớn nhưng trăn anaconda (cả loài trăn xanh lẫn vàng) có bản tính khá nhút nhát, thường lẩn trốn dưới nước hoặc ngụy trang kỹ nên rất khó bị bắt gặp trong tự nhiên. Trăn anaconda thường ẩn nấp rất kỹ trong đầm lầy để săn mồi. Tuy nhiên, trong điều kiện nuôi nhốt để làm cảnh hoặc cho mục đích nghiên cứu, trăn anaconda bị đánh giá là có hành vi khó đoán và có khả năng gây nguy hiểm cho con người.

Tất cả loài trăn anaconda đều có các hố cảm nhận nhiệt nằm dọc theo miệng của chúng, khiến nhiều người lầm tưởng đây là những lỗ mũi. Chúng sử dụng những hố này để phát hiện thân nhiệt của động vật máu nóng cho mục đích săn mồi hoặc tự vệ.

Trăn anaconda sơ sinh chỉ bằng 1% kích thước cơ thể mẹ của chúng, nhưng lớn hơn con của hầu hết các loài trăn, rắn khác trên thế giới.

Theo Newsflare/Animalia