Trái Đất liên tiếp ghi nhận đỉnh nhiệt mới, kỷ lục bị phá vỡ sau 24 giờ

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Nhiệt độ trung bình toàn cầu ngày 22/7 đạt 17,15 độ C, chính thức phá kỷ lục ngày nóng nhất trong lịch sử mới được thiết lập trước đó 1 ngày.

Trái Đất liên tiếp ghi nhận đỉnh nhiệt mới, kỷ lục bị phá vỡ sau 24 giờ - 1

Các đài phun nước trong thành phố là nơi để nhiều người dân trên thế giới tránh nóng khi nhiệt độ tăng cao kỷ lục (Ảnh: The Washington Post).

Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (Liên Minh châu Âu), ngày 21/7 thế giới đã trải qua ngày nóng nhất trong lịch sử khi mức nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,09 độ C.

Chỉ sau một ngày, một kỷ lục nhiệt mới được thiết lập với mức nhiệt độ trung bình toàn cầu ghi nhận là 17,15 độ C. Chính vì thế, ngày 22/7 trở thành ngày nóng nhất trong lịch sử nhân loại và chúng ta đã trải qua 2 ngày nắng nóng nhất liên tiếp.

Trong mùa hè qua, người dân trên thế giới đã hứng chịu tác động của nhiều đợt nắng nóng cực hạn gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiệt độ kỷ lục được cho là nguyên nhân gây ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn trường hợp tử vong ở châu Á, châu Âu hay gây cháy rừng ở nhiều quốc gia châu Mỹ.

Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) đã ghi nhận nhiệt độ tăng cao kỷ lục vào ngày 28/5, mức nhiệt đạt gần 50 độ C hay thành phố Delhi, nhiệt độ lên tới 52 độ C khiến hàng chục người thiệt mạng do sốc nhiệt.

Trong khi tại quốc gia Ả Rập Saudi, hơn 1.300 người thiệt mạng trong cuộc hành hương đến Mecca, Đại thánh đường của thánh địa Hồi giáo ghi nhận mức nhiệt đạt tới 51,8 độ C vào tháng 6.

Nhà khí tượng học Bob Henson, Yale Climate Connections bày tỏ: "Tôi không bất ngờ khi kỷ lục bị phá vỡ, mà sự tăng vọt về nhiệt trong 2 năm vừa qua mới là vấn đề đáng lo ngại".

Bob Henson hy vọng hiện tượng La Nina dự kiến xuất hiện vào cuối năm nay có thể khiến nhiệt độ toàn cầu hạ nhiệt.

"Ngay cả khi năm sau không có những kỷ lục tương tự, chúng tôi biết dự báo dài hạn vẫn là nhiệt độ ngày càng ấm hơn theo thời gian", Bob Henson chia sẻ.

Hiện tượng La Nina dù chưa xuất hiện, song đang mang đến một mối quan tâm đáng lo ngại khác cho nhiều nhà khoa học.

Để nhiệt độ toàn cầu hạ nhiệt, phần lớn sẽ phụ thuộc vào độ ấm của đại dương, song mức nhiệt bề mặt nước biển hiện vẫn duy trì ở mức cao trong hơn 1 năm qua.

Nhiệt độ bề mặt đại dương tăng cao là chất xúc tác khiến cho các cơn bão hình thành nhanh đi cùng sức tàn phá lớn hơn.

"Nếu nhiệt độ kỷ lục này vẫn tiếp tục tồn tại, bất chấp sự phát triển của La Nina, năm 2024 có thể nóng hơn năm 2023", nhà khí hậu học Julien Nicolas cảnh báo.