1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Khoa học ghi nhận 21/7 là ngày nóng nhất lịch sử

Minh Khôi

(Dân trí) - Ngày chủ nhật vừa qua (tức 21/7) chính thức là ngày nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu.

Khoa học ghi nhận 21/7 là ngày nóng nhất lịch sử - 1

Một đám cháy rừng xảy ra gần thị trấn Melloula, miền tây bắc Tunisia (Ảnh: AFP).

Đây là tuyên bố của cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (C3S) sau khi dựa trên những dữ liệu đo lường sơ bộ.

Theo C3S, vào ngày 21/7, nhiệt độ không khí trung bình trên bề mặt toàn cầu đạt 17,09℃, mức cao nhất kể từ lần đầu tiên dữ liệu này được ghi chép vào năm 1940.

Mức nhiệt này cao hơn 0,01℃ so với kỷ lục trước đó là 17,08℃, được ghi nhận vào ngày 6/7/2023.

Đây được xem là hệ quả từ các đợt nắng nóng và cháy rừng đang tàn phá nhiều khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ. Trong khi đó, nhiều khu vực khác cũng đang đối mặt với mùa hè oi bức hơn bình thường, điển hình là khu vực châu Á.

Trên phương diện toàn cầu, việc đốt nhiên liệu hóa thạch vẫn là tác nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trong khi đó, lượng khí thải nhà kính giữ nhiệt vẫn tiếp tục tăng, bất chấp những nỗ lực quốc tế nhằm chuyển sang năng lượng sạch và làm chậm tốc độ tăng nhiệt.

"Trái Đất vừa trải qua ngày nóng nhất trong lịch sử", cơ quan giám sát cho biết trong một tuyên bố. "Vào ngày 21/7, C3S đã ghi nhận kỷ lục mới về nhiệt độ trung bình toàn cầu trong một ngày".

Cơ quan này cũng cho biết thêm, mặc dù nhiệt độ chỉ tăng nhẹ so với kỷ lục trước đó, nhưng điều thực sự đáng lo ngại là các tháng đều đang phá vỡ kỷ lục nhiệt so với cùng kỳ những năm trước, kể từ tháng 6/2023.

"Nhiệt độ toàn cầu dự kiến sẽ đạt đỉnh và sớm hạ xuống, mặc dù có thể có thêm những biến động trong các tuần tới", C3S cho biết trong một thông báo.

Đến nay, năm 2023 vẫn là năm nóng nhất từng được ghi nhận. Tuy nhiên, năm 2024 có thể phá vỡ kỷ lục này, bằng việc xuất hiện thêm nhiều sự kiện thời tiết khiến nhiệt độ biến đổi không ngừng.

Theo www.sciencealert.com