1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Trái đất đang "chết" nhanh hơn chúng ta tưởng

Trang Phạm

(Dân trí) - Mối đe dọa gấp ba của biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và dân số quá đông đang ảnh hưởng nặng nề tới Trái đất.

Trái đất đang chết nhanh hơn chúng ta tưởng - 1

Những cây khô cháy dọc theo đường Pallet Creek trong Đám cháy Bobcat ở Valyermo, California, ngày 18 tháng 9 năm 2020. Biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm tần suất và cường độ của các vụ cháy rừng hàng năm.

Trong một báo cáo mới công bố, các nhà nghiên cứu cho biết nhân loại đang hướng tới một "tương lai kinh hoàng" với sự tuyệt chủng hàng loạt, khủng hoảng sức khỏe và những gián đoạn liên tục do khí hậu gây ra đối với xã hội.

Một nhóm gồm 17 nhà nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, Mexico và Úc đã mô tả ba cuộc khủng hoảng lớn mà sự sống trên Trái đất phải đối mặt: Sự gián đoạn khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, tiêu thụ quá mức và dân số quá đông của con người. Với việc trích dẫn hơn 150 nghiên cứu, nhóm nghiên cứu lập luận rằng ba cuộc khủng hoảng này vốn chỉ sẵn sàng leo thang trong những thập kỷ tới, đặt Trái đất vào vị trí bấp bênh hơn hầu hết mọi người nhận ra, và thậm chí có thể gây nguy hiểm cho loài người.

Các tác giả cho biết quan điểm của bài báo mới mô tả rõ ràng những mối đe dọa đang đối mặt với hành tinh của chúng ta để mọi người bắt đầu xem xét chúng một cách nghiêm túc và lập kế hoạch đưa ra các hành động giảm nhẹ, trước khi quá muộn.

"Chúng tôi mong muốn cung cấp cho các nhà lãnh đạo một lời cảnh báo thực tế về tình trạng của hành tinh, điều cần thiết cho việc lập kế hoạch để tránh một tương lai kinh hoàng có thể diễn ra", các nhà nghiên cứu cảnh báo.

Tương lai đó sẽ như thế nào? Các tác giả cho biết kể từ khi bắt đầu nền nông nghiệp cách đây 11.000 năm, Trái đất đã mất khoảng 50% thực vật trên cạn và khoảng 20% đa dạng sinh học động vật. Trích dẫn hai nghiên cứu, một từ năm 2018 và một từ năm 2019, nếu xu hướng hiện tại tiếp tục có khoảng 1 triệu trong số 7 - 10 triệu loài động thực vật trên Trái đất có thể đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần.

Việc mất đa dạng sinh học to lớn như vậy cũng sẽ phá vỡ mọi hệ sinh thái lớn trên hành tinh của chúng ta, với ít côn trùng hơn để thụ phấn cho thực vật, ít thực vật hơn để lọc không khí, nước và đất, ít rừng hơn để bảo vệ các khu định cư của con người khỏi lũ lụt cùng các vấn đề thiên nhiên khác.

Trong khi đó, những hiện tượng tương tự gây ra thiên tai đều được dự đoán là sẽ trở nên mạnh hơn và thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu toàn cầu. Những thảm họa này, cùng với hạn hán do khí hậu gây ra và mực nước biển dâng, có thể có nghĩa là 1 tỷ người sẽ trở thành người tị nạn khí hậu vào năm 2050, buộc những cuộc di cư ồ ạt gây nguy hiểm hơn nữa cho cuộc sống của con người dẫn đến phá vỡ xã hội.

Đến năm 2050, dân số thế giới có thể sẽ tăng lên xấp xỉ 9,9 tỷ người, với sự tăng trưởng được nhiều người dự đoán sẽ tiếp tục cho đến tận thế kỷ tới.

Sự tăng trưởng bùng nổ này sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội như mất an ninh lương thực, mất an ninh nhà ở, tình trạng thất nghiệp, quá tải và bất bình đẳng. Dân số đông hơn cũng làm tăng khả năng xảy ra đại dịch. Khi con người ngày càng lấn sâu vào các không gian hoang dã, nguy cơ phát hiện ra các bệnh truyền nhiễm từ động vật mới chết người như SARS-CoV-2, virus gây ra COVID-19 càng trở nên lớn hơn.

Mặc dù chúng ta có thể nhìn thấy và cảm nhận những tác động của sự nóng lên toàn cầu hàng ngày như nhiệt lập kỷ lục trên toàn thế giới và các mùa bão ngày càng hoạt động mạnh, những tác động tồi tệ nhất của những cuộc khủng hoảng khác này có thể mất nhiều thập kỷ để trở nên rõ ràng.

"Nếu hầu hết dân số thế giới thực sự hiểu và đánh giá cao tầm quan trọng của các cuộc khủng hoảng mà chúng tôi nhắc đến ở đây, và tính không thể tránh khỏi của các điều kiện tồi tệ hơn, một cách hợp lý có thể mong đợi những thay đổi tích cực trong chính trị và chính sách để phù hợp với sức nặng của các mối đe dọa hiện hữu. Nhưng điều ngược lại đang diễn ra", các nhà nghiên cứu lo lắng.

Chỉ tuần trước, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy con người đã vượt qua các mục tiêu về sự nóng lên toàn cầu do Thỏa thuận Paris năm 2015 đặt ra và chúng ta hiện đang trên đường sống trong một thế giới có nhiệt độ 2,3 độ C ấm hơn nhiệt độ trung bình toàn cầu trong thời kỳ tiền công nghiệp, hơn một nửa so với "trường hợp xấu nhất" của Liên Hợp Quốc cảnh báo.

Các tác giả viết rằng tương lai đen tối được mô tả trong bài báo này không được đảm bảo, miễn là các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà hoạch định chính sách bắt đầu ngay lập tức xem xét các vấn đề trước mắt chúng ta một cách nghiêm túc.

Một khi các nhà lãnh đạo chấp nhận và quan tâm thì những thay đổi quy mô lớn cần thiết để bảo tồn hành tinh của chúng ta có thể bắt đầu.