1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tổng thống Joe Biden: Nhật Bản sẽ là nước thứ hai đưa người lên Mặt Trăng

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 10/4 cho biết, một công dân Nhật Bản sẽ là phi hành gia không phải người Mỹ đầu tiên đi bộ trên Mặt Trăng, trong một sứ mệnh tương lai.

Tổng thống Joe Biden: Nhật Bản sẽ là nước thứ hai đưa người lên Mặt Trăng - 1
Tổng thống Mỹ, Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida trong chuyến thăm chính thức tại Thủ đô Washington (Mỹ) ngày 10/4 (Ảnh: AFP).

Đây như một phần sứ mệnh từ chương trình Artemis của Mỹ, lãnh đạo hai quốc gia Mỹ - Nhật Bản cho biết ngày 10/04. Thông báo này cũng mang tính biểu tượng về mối quan hệ bền chặt giữa Mỹ và Nhật Bản sau cuộc gặp Thượng đỉnh từ hai nhà lãnh đạo.

Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida, đang có chuyến thăm chính thức tại Mỹ, dự kiến kéo dài 1 tuần với nhiều hoạt động quan trọng. Trong đó, có lĩnh vực hợp tác không gian, Hoa Kỳ đã đề nghị với Nhật Bản một vị trí mà nhiều quốc gia mơ ước đạt được.

Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden tuyên bố trong cuộc họp báo chung ở Washington trong ngày 10/4: "Hai phi hành gia Nhật Bản sẽ tham gia các sứ mệnh Mặt Trăng tương lai của Mỹ và một trong số họ sẽ trở thành người không phải người Mỹ đầu tiên đáp xuống Mặt trăng".

Trong chuyến thăm chính thức của mình, Thủ tướng Nhật Bản đã ca ngợi thành công to lớn trong lĩnh vực không gian.

Chương trình Artemis của Mỹ nhằm mục đích thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt trăng, trong đó có sự tham gia của một phi hành gia nữ, người da màu đầu tiên sẽ bay vào không gian.

Nên nhớ rằng, từ năm 1969 đến năm 1972, Chương trình Apollo đã đưa 12 người phi hành gia Mỹ lên bề mặt Mặt Trăng, tất cả đều là người da trắng.

"Mỹ sẽ không còn bước đi một mình trên Mặt Trăng nữa. Ngoại giao có lợi cho  những khám phá và những khám phá đó cũng mang lại lợi ích cho Mặt Trăng", ông chủ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) bày tỏ vui mừng hôm thứ Tư, ngày 10/4 vừa qua.

Sứ mệnh Artemis III sẽ đưa các phi hành gia trở lại bề mặt Mặt Trăng được NASA lên kế hoạch vào năm 2026.

Trong khi, Trung Quốc - một quốc gia đang ngày càng có nhiều kế hoạch trong chinh phục không gian, cũng sẽ đưa con người lên Mặt Trăng dự kiến vào năm 2030.

Hiện nước này đang trong quá trình thử nghiệm nhiều công nghệ phục vụ cho sứ mệnh này như thử nghiệm và phát triển tên lửa đẩy, module vũ trụ chở các phi hành gia.

Một ngôi nhà di động trên Mặt Trăng

Tokyo và Washington đã hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực không gian, đặc biệt là trong khuôn khổ hoạt động của Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.

Theo tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo, họ đã xây dựng kế hoạch "tăng cường hợp tác về đào tạo phi hành gia" để đạt được mục tiêu mới.

Tổng thống Joe Biden: Nhật Bản sẽ là nước thứ hai đưa người lên Mặt Trăng - 2

Chiếc xe tự hành với công nghệ điều áp sẽ mang lại cho các phi hành gia hoạt động dễ hơn trên Mặt Trăng (Ảnh minh họa: La Libre).

Nhưng để một phi hành gia Nhật Bản thực sự đặt chân lên Mặt trăng, hai quốc gia cần thực hiện nhiều bước quan trọng, tuyên bố cho biết.

Xe thám hiểm mà Nhật Bản sẽ hợp tác và cung cấp cho Chương trình Artemis sẽ được trang bị công nghệ điều áp, không giống như các phương tiện Mặt Trăng khác mà NASA đặt hàng từ những công ty Mỹ.

Trong con tàu thám hiểm điều áp, các phi hành gia sẽ không cần mặc quần áo bảo hộ và họ có thể di chuyển những khoảng cách xa hơn.

Bill Nelson hé lộ: "Đó là môi trường sống di động, một phòng thí nghiệm, một ngôi nhà và một nhà thám hiểm Mặt Trăng".

NASA cho biết, hai phi hành gia có thể sống ở đó tới 30 ngày liên tục và họ mong muốn có thể sử dụng phương tiện này trong sứ mệnh Artemis 7.

Người châu Âu liệu có thất vọng?

Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cũng đã lên kế hoạch với 3 sự hợp tác trong chương trình Artemis của Mỹ. Liên minh này xác nhận rằng, một phi hành gia châu Âu sẽ có mặt trên tàu Artemis 4 và Artemis 5.

"Nhưng liệu các phi hành gia châu Âu sau đó sẽ tiếp tục ở trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng hay họ sẽ đi lên bề mặt?", Daniel Neuenschwander, Giám đốc Thăm dò tại ESA, chia sẻ với AFP: "Đây là chủ đề của các cuộc thảo luận sâu hơn".

Đổi lại, ESA đóng góp đáng kể vào nỗ lực lên Mặt Trăng, đặc biệt là bằng cách cung cấp hệ thống đẩy cho tàu của các phi hành gia và module cư trú cho các trạm tương lai trên quỹ đạo hành tinh này - Gateway.

Châu Âu liệu có thất vọng sau thông báo về việc phi hành gia Nhật Bản đặt chân lên Mặt Trăng, ông Neuenschwander bình luận: "Chúng tôi hiểu rằng, có những cân nhắc vượt ra ngoài không gian, dẫn đến sự hợp tác chặt chẽ này giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, nó mang ý nghĩa địa chiến lược hơn".

Chương trình Artemis được khởi động vào năm 2022 với sứ mệnh Artemis 1, đã bay thành công quanh quỹ đạo Mặt Trăng. Artemis 2 được NASA lên kế hoạch vào năm 2025, sẽ đưa 4 phi hành gia thực hiện chuyến du hành vòng quanh Mặt Trăng mà không đáp xuống bề mặt.

Một số nguồn tin hé lộ, có 3 người Mỹ và một người Canada đang được huấn luyện.

Artemis 3 sau đó sẽ là sứ mệnh có người lái đầu tiên hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng kể từ năm 1972. Hiện vẫn chưa rõ chi tiết về phi hành đoàn.

Liên quan đến sứ mệnh mà phi hành gia đầu tiên của Nhật Bản sẽ tham gia, NASA chia sẻ rằng, họ chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về các phi hành đoàn ngoài Artemis 2.

Vào tháng 1, Nhật Bản cũng trở thành quốc gia thứ 5 hạ cánh thành công lên Mặt Trăng bằng việc đưa một robot xuống bề mặt hành tinh này.