Tổng cục TCĐLCL: "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ là nền tảng đảm bảo chất lượng sản phẩm"

(Dân trí) - Các doanh nghiệp (DN) tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh của hàng hóa nhưng không “bỏ quên” trách nhiệm với NTD, bảo vệ quyền lợi của họ.

 

Theo ông Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ quản lý tiên tiến là nền tảng quan trọng giúp cho DN nâng cao năng lực quản trị, đảm bảo chất lượng chất lượng sản phẩm. Qua đó đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế cũng như yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Qua đó, sản xuất kinh danh có hiệu quả, giảm lãng phí và cải tiến liên tục.

Tổng cục TCĐLCL: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ là nền tảng đảm bảo chất lượng sản phẩm - 1
Ông Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL

 

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, sức cạnh tranh của DN không phải là mục đích tự thân và lợi ích NTD cũng không phải là mục tiêu cao nhất trong hoạt động kinh doanh của DN. Tuy nhiên, việc tôn trọng và bảo đảm lợi ích của NTD lại là bảo đảm cho lòng tin của khách hàng, của thị trường và do đó bảo đảm năng lực cạnh tranh, sự tồn tại và phát triển của DN.

Một DN có năng lực cạnh tranh cao và thành công luôn phải biết bảo vệ quyền lợi NTD; coi bảo vệ quyền lợi NTD là hợp phần quyền lợi của DN và văn hóa trong DN.

“Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, NTD cần và có thể phải trở thành NTD thông thái. Họ không chỉ biết mình cần những mặt hàng, dịch vụ với chất lượng ra sao, mà còn cần biết nó sẽ được mua ở đâu, với giá cả nào; Hơn nữa, NTD cần sử dụng tốt quyền từ chối đối với những hàng hóa, dịch vụ chất lượng thấp để bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời tạo sức ép thị trường lên những DN làm ăn gian dối”, ông Phong cho biết.

Theo ông Phong, trong mối quan hệ giữa DN với NTD, không thể thiếu bàn tay và vai trò của quản lý nhà nước trong thiết lâp môi trường cạnh tranh lành mạnh và có hiệu lực pháp lý cao để bảo vệ quyền lợi của các bên.

Sự phát triển của hệ thống thông tin thị trường minh bạch, mã số mã vạch, truy suất nguồn gốc đầy đủ và cập nhật, chính xác, nhất là thông tin về chất lượng và uy tín DN, cũng như thông tin khách hàng đã, đang và sẽ là cấu thành cần thiết tạo lập và duy trì mối quan hệ lành mạnh giữa DN với NTD.

Nói về việc mối liên hệ giữa các DN và NTD vẫn chưa tạo sự gắn kết và có tiếng nói chung, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà Bán lẻ Việt Nam cho rằng, lý do có thể là chúng ta thiếu lòng tin. NTD không tin tưởng ở các nhà sản xuất hoặc nhà bán lẻ và ngược lại.

“Chúng ta cần các thông tin đầy đủ và minh bạch về hàng hóa và dịch vụ cũng như quảng bá về hình ảnh của các DN có uy tín. Đồng thời NTD cũng cần được cung cấp các thông tin cập nhật về xu hướng, kiến thức tiêu dùng và khuyến khích các ý kiến phản hồi, góp ý của NTD cho DN, không chỉ về sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có vấn đề mà cả về các góp ý, đề xuất ý tưởng cho hàng hóa, dịch vụ mới hoặc cải tiến”, bà Đinh Thị Mỹ Loan nói thêm.

Việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn được các chuyên gia đánh giá là góp phần không nhỏ giúp bảo vệ quyền lợi NTD. Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, hiện nay Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) có khoảng 10.000 TCVN, trong đó hơn một nửa đã hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) với khoảng 700 QCVN cũng được xây dựng và công bố. Các TCVN và QCVN đã đáp ứng được yêu cầu quản lý kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay, trong đó góp phần không nhỏ bảo vệ quyền lợi NTD.

 

Phong Lâm