Tồn tại mỏ kim cương tự nhiên không thể khai thác ở lõi Trái Đất?
(Dân trí) - Ở Trái Đất có một "nhà máy" sản xuất kim cương hoạt động suốt ngày đêm nhưng chưa ai có thể khai thác nguồn tài nguyên này.
Vùng ranh giới giữa phần lõi kim loại nóng chảy của Trái Đất và lớp phủ đất đá ở chính giữa có thể là nơi tồn tại của một "nhà máy" sản xuất kim cương hoạt động suốt ngày đêm.
Nhận định trên được đưa ra bởi Sang-Heon Shim, một nhà địa chất học tại Đại học bang Arizona, Mỹ và các cộng sự, sau khi họ thực hiện thành công một thí nghiệm mô phỏng điều kiện nhiệt độ, áp suất khắc nghiệt tại nơi lõi Trái Đất.
Theo lý giải, ở nơi lõi tiếp giáp với lớp phủ cách bề mặt Trái Đất khoảng 3.000 km, sắt ở thể lỏng tiếp xúc với những hợp chất đặc biệt, và dần biến sang thể rắn. Ở một quá trình chuyển đổi như vậy, đặc biệt là với áp suất và nhiệt độ cao, những phản ứng hóa học kỳ lạ có thể xảy ra.
"Sự kết hợp của sắt, carbon và nước được tìm thấy ở ranh giới lõi và lớp phủ, có thể tạo thành kim cương", các nhà nghiên cứu cho biết.
Để mô phỏng ý tưởng này, các nhà nghiên cứu đã tập hợp các thành phần có sẵn trong ranh giới lõi - lớp phủ và ép chúng lại với nhau bằng các rãnh làm bằng kim cương, đồng thời tạo ra áp suất lên tới 140 gigapascal (tương đương khoảng 1,4 triệu lần áp suất ở mực nước biển). Bên cạnh đó, mẫu vật cũng được làm nóng lên tới 3.776 độ C.
Rốt cuộc, họ đã chế tạo thành công kim cương, dạng hợp chất ổn định nhất của cacbon, nhờ vào thí nghiệm này. Tuy nhiên, đây không phải là những viên kim cương lấp lánh giống như những mẫu có thể gắn trên một chiếc nhẫn đính hôn, mà sở hữu những đặc tính rất khác biệt.
Theo họ, điều này có thể giải thích cho một số trạng thái kỳ lạ của lớp phủ, bao gồm cả lý do tại sao khu vực này chứa nhiều carbon vượt qua mong đợi của các nhà khoa học.
Trong các tài liệu, những "nhà máy" sản xuất kim cương này còn được gọi là "vùng vận tốc cực thấp", mang theo cấu trúc lớp phủ kỳ lạ, trải dài hàng trăm, cho đến hàng ngàn kilomet phía dưới lục địa châu Phi và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, không ai biết chính xác chúng là gì.
Một số nhà khoa học cho rằng chúng có niên đại lên tới 4,5 tỷ năm, và được hình thành bởi những vật liệu có từ Trái Đất cổ đại. Tuy nhiên, việc chứng minh quá trình này xảy ra tại nơi cách bề mặt Trái Đất hàng nghìn km là một thách thức mà khoa học chưa thể đạt tới.