Tín hiệu mới trong cuộc săn lùng sự sống ngoài hành tinh

Minh Khôi

(Dân trí) - Cơ hội tìm thấy những môi trường nơi sự sống có thể phát triển được tăng lên đáng kể, nhờ phát hiện mới về các ngoại hành tinh.

Tín hiệu mới trong cuộc săn lùng sự sống ngoài hành tinh - 1

Ảnh minh họa tàu vũ trụ Europa Clipper của NASA bay phía trên mặt trăng Europa băng giá của sao Mộc (Ảnh: NASA/JPL-Caltech).

Một phát hiện mới của các nhà khoa học tại Đại học Rutgers cho thấy nhiều khả năng xuất hiện nước lỏng trên các ngoại hành tinh, ngay cả khi chúng có lớp vỏ ngoài băng giá.

Nước lỏng là một trong những thành phần thiết yếu của sự sống trên Trái Đất. Do vậy, phát hiện này được xem là tin vui với mục tiêu săn lùng sự sống ngoài hành tinh của nhân loại, đã kéo dài suốt hàng thế kỷ.

Băng giá là nơi giữ nước lỏng

Để đi đến phát hiện nêu trên, các nhà khoa học do GS. Lujendra Ojha dẫn đầu đã nghiên cứu các hành tinh được tìm thấy xung quanh loại sao phổ biến nhất trong thiên hà của chúng ta, sao lùn đỏ (còn gọi là sao lùn M).

Được biết, sao lùn đỏ nhỏ hơn, và mát hơn so với Mặt Trời. Do đó, các hành tinh trong hệ sao này phần lớn cấu thành từ đất đá tựa Trái Đất, và được bao phủ bởi lớp vỏ băng giá.

Trên thực tế, điều tương tự cũng đã xảy ra với Trái Đất khoảng vài tỷ năm trước, khi nước ở thể lỏng trên bề mặt hoàn toàn đóng băng.

Tuy nhiên, bên dưới lớp bề mặt, một lượng lớn nước lỏng vẫn được duy trì. "Nhiệt từ phóng xạ sâu trong lòng đất có thể làm ấm nước, đủ để giữ cho nó ở thể lỏng", Lujendra Ojha lý giải.

Nhà nghiên cứu cho rằng có bằng chứng cho thấy rằng sự nóng lên thông qua phóng xạ cũng có thể đang diễn ra gần cực nam của Sao Hỏa. Ngoài ra, một số mặt trăng như Europa (mặt trăng của Sao Mộc) hoặc Enceladus (mặt trăng của Sao Thổ) cũng có thể có nước lỏng bên dưới lòng đất, dù bề mặt của chúng hoàn toàn bị đóng băng.

Con người sẽ sớm tìm thấy sự sống ngoài hành tinh?

Tín hiệu mới trong cuộc săn lùng sự sống ngoài hành tinh - 2

Sự sống ngoài hành tinh sẽ dựa vào lượng nước tồn tại ở một nơi nào đó (Ảnh: Getty).

Một phương pháp khả thi nhất trong việc nhận biết sự tồn tại của người ngoài hành tinh, đó là tìm kiếm các dấu hiệu của bất kỳ dạng sự sống nào ở bên ngoài Trái Đất.

Cho đến nay, đây là phương pháp phổ biến nhất trong thiên văn học, với mục tiêu là các hành tinh và hệ sao xa xôi.

Trong một phạm vi cho phép, con người hiện nay có thể tìm kiếm các chất hóa học cấu thành nên sự sống trong bầu khí quyển, phân tích cấu trúc địa chất, hoặc phát đi các bước sóng vô tuyến hoặc quang học thay cho một dạng ngôn ngữ giao tiếp.

Theo mô hình mới được các nhà nghiên cứu công bố, cứ 100 ngôi sao thì có một hành tinh đất đá tồn tại nước ở thể lỏng. Với khoảng 100 tỷ ngôi sao trong Dải Ngân hà của chúng ta, nếu căn cứ theo tỷ lệ nêu trên, chúng ta có thể vô cùng lạc quan về khả năng xuất hiện sự sống ở một nơi nào đó.

Theo tính toán, nếu các điều kiện phù hợp, khả năng tìm thấy nước lỏng sẽ cao gấp 100 lần so với những gì chúng ta từng biết.

"Loại nước này có thể được tìm thấy ở những nơi mà chúng ta chưa từng xem xét kỹ", Lujendra Ojha cho biết. "Trên lý thuyết, điều này làm tăng đáng kể cơ hội tìm thấy những môi trường nơi sự sống có thể phát triển".

Dẫu vậy cho đến nay, tất cả nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất vẫn đều chưa thành công.