Tìm thấy tượng rùa cực hiếm chìm trong hồ chứa nước của di tích Angkor Wat

(Dân trí) - Các nhà khảo cổ vừa phát hiện ra một bức tượng rùa quý hiếm ở một ngôi đền cổ nằm trong một hồ chứa nước của quần thể Angkor Wat.

Tìm thấy tượng rùa cực hiếm chìm trong hồ chứa nước của di tích Angkor Wat - 1
Hình ảnh tượng rùa được khai quật ở đền thờ Kandal Srah Srang.

Phát hiện này rất quan trọng bởi nó có thể cung cấp cho các chuyên gia một góc nhìn mới về sự phát triển của Angkor Wat, một trong những địa điểm khảo cổ nổi tiếng nhất ở châu Á.

Những nhà nghiên cứu từ Cơ quan Quản lý khu di tích Thánh địa Phật giáo cổ đại Angkor Wat (Apsara Authority) cho biết đã phát hiện tượng rùa lớn chìm dưới nước khi làm việc ở đền thờ Kandal Srah Srang trong Công viên Khảo cổ Angkor thuộc Xiêm Riệp, Campuchia. Trong đó bức tượng rùa có kích thước 58 x 93 cm. Nó được tìm thấy dưới nước và các công nhân phải tháo cạn khu vực để các nhà khảo cổ có thể khai quật được bức tượng đá. Trong khi làm việc gần khu đền, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một đầu rồng bằng đá và hai cây đinh ba.

Chea Socheat, người đứng đầu nhóm các nhà khảo cổ học, cho biết tác phẩm điêu khắc rùa không có hoa văn riêng biệt, ngoại trừ một hình vuông ấn tượng trên mai của nó. Tượng rùa lớn được làm bằng sa thạch và bức tượng rùa chỉ được phơi bày một phần chưa được khai quật hoàn toàn. Để

Tàn dư của ngôi đền cổ này được cho có thể được nhìn thấy toàn vẹn trên dòng nước vào mùa khô. Trong khi đó Srah Srang hoàn toàn chìm trong mùa mưa.

Đền thờ Kandal Srah Srang được cho có từ thế kỷ IX hoặc X sau Công nguyên và được xây dựng lại bởi vua Jayavarman VII. Nó được xây dựng theo phong cách kiến ​​trúc Khmer chịu ảnh hưởng phong cách Nam Ấn. Các nhà khảo cổ còn khai quật được một khu chôn cất với hài cốt hỏa táng của nhiều cá nhân gần ngôi đền bị chìm. Ngôi đền Kandal Srah Srang đã từng là một trong nhiều kỳ quan của Angkor Wat.

Angkor Wat là thủ đô của Đế quốc Khmer, cường quốc thống trị ở Đông Nam Á trong phần lớn thời kỳ Trung cổ. Đó là một vương quốc chịu ảnh hưởng lớn của Phật giáo và Ấn Độ giáo. Đế chế này sụp đổ vào thế kỷ XV vì các yếu tố môi trường và các cuộc xâm lược của nước ngoài.

Văn hóa Hindu-Phật giáo của Đế chế Khmer rất quan trọng trong việc giúp các chuyên gia hiểu về bức tượng rùa. Những vật thể tương tự đã được tìm thấy tại các ngôi đền của người Khmer như Lor Ley, nhưng vật thể được tìm thấy ở Sran Srang lớn hơn nhiều.

Nhà khảo cổ Chea Socheat nói rằng, rùa được biết đến như một trong những hình ảnh đại diện của vị thần Hindu, Vishnu. Các mô tả về rùa thường là các nghi lễ và chúng được đặt ở trung tâm hoặc nền móng của các ngôi đền. Tuy nhiên, các chuyên gia chưa thể nói rõ ràng về trường hợp của tượng rùa đặc biệt này mặc dù họ tin rằng tác phẩm điêu khắc có thể đã được sử dụng như một phần của một số nghi lễ tôn giáo.

Chea Socheat cũng nhấn mạnh khám phá có thể giúp giải thích lịch sử của ngôi đền, bao gồm các nghi lễ tôn giáo đã từng được thực hiện ở đây. Đã có nhiều nghiên cứu khảo cổ về địa điểm này nhưng chưa có cuộc điều tra có hệ thống dựa trên các vật thể được khai quật. Do đó, phát hiện hiếm hoi này có thể giúp các chuyên gia hiểu rõ hơn về văn hóa và tôn giáo của Đế quốc Khmer.

Trang Phạm

Theo Ancient-origins