Tìm thấy ngôi sao cách xa 28 tỷ năm ánh sáng, nặng gấp 500 lần Mặt Trời
(Dân trí) - Các nhà thiên văn đặt biệt danh cho ngôi sao này là "Earendel", có nghĩa là "ngôi sao ban mai".
Mới đây, kính viễn vọng không gian Hubble đã phát hiện ra một ngôi sao nằm ở xa nhất từng được quan sát thấy, cách Trái Đất khoảng 28 tỷ năm ánh sáng.
Ngôi sao cổ đại này có thể là một ngôi sao đơn hoặc một hệ sao đôi, nặng gấp 500 lần so với Mặt Trời của chúng ta, và cũng sáng hơn Mặt Trời hàng triệu lần.
Được biết, kính viễn vọng được mệnh danh là "Mắt thần" đã có thể phát hiện ra ngôi sao nằm xa nhất từ trước tới nay sau khoảng thời gian là 9 tiếng phơi sáng, khi đang quan sát ngẫu nhiên các ngôi sao trên nền của một cụm thiên hà.
Các nhà khoa học cho biết lực hấp dẫn từ các thiên hà khổng lồ ở tiền cảnh đã làm biến dạng không gian, tạo ra một hiệu ứng được gọi là "thấu kính hấp dẫn", giúp phóng đại ánh sáng của ngôi sao lên hàng chục nghìn lần, cho phép nó có thể được nhìn thấy trên các thiết bị của Hubble.
Tên chính thức của ngôi sao là WHL0137-LS, nhưng các nhà nghiên cứu đã đặt biệt danh cho nó là "Earendel", nghĩa là "ngôi sao ban mai". Hình ảnh mới nhất từ kính Hubble xác nhận rằng sự ngôi sao không phải là một hình chiếu, mà nó thực sự vẫn đang tồn tại ở vị trí đó trong khoảng 3,5 năm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Earendel có niên đại khoảng 900 triệu năm sau vụ nổ Big Bang, và góp mặt trong thế hệ sao đầu tiên của vũ trụ.
Do ở khoảng cách rất xa Trái Đất, nên ánh sáng mà chúng ta quan sát thấy từ Earendel thật ra được phát ra khi vũ trụ mới chưa đầy một tỷ năm tuổi, tương đương với khoảng 6% so với hiện tại.
Vào thời điểm đó, ngôi sao chỉ cách Dải Ngân hà của chúng ta 4 tỷ năm ánh sáng. Sau gần 13 tỷ năm ánh sáng, hình chiếu của nó cuối cùng đã đến được với chúng ta. Tuy nhiên vào lúc này, vũ trụ đã giãn nở, khiến cho khoảng cách được nâng lên thành 28 tỷ năm ánh sáng.
Theo NASA, vẫn còn nhiều điều để khám phá về ngôi sao xa xôi mới tìm thấy này, chẳng hạn như khối lượng, nhiệt độ và phân loại quang phổ của nó. Các dữ liệu này cung cấp tri thức, cho phép chúng ta ngược dòng lịch sử, để nhìn lại sự hình thành của vũ trụ, cũng như hiểu hơn về các khối cấu tạo của một số thiên hà đầu tiên.
Kính viễn vọng không gian Hubble được đi vào hoạt động ngày 24/4/1990 sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, chế tạo. Nó cung cấp những góc nhìn chưa từng có về các vật thể trong không gian, định hình lại cách mà các nhà vật lý thiên văn nghiên cứu vũ trụ, giúp các nhà khoa học tạo bản đồ 3D về vật chất tối và xác định tuổi của vũ trụ, cũng như tốc độ giãn nở của nó.