Tìm thấy các mảnh vỡ thiên thạch 430.000 năm tuổi cực hiếm ở Nam Cực

Trang Phạm

(Dân trí) - Các nhà khoa học vừa tìm thấy 17 hạt cực hiếm còn sót lại từ vụ nổ của một thiên thạch ở Nam Cực khoảng 430.000 năm trước, được cho đã hoàn toàn hủy diệt một khu vực rộng lớn.

Tìm thấy các mảnh vỡ thiên thạch 430.000 năm tuổi cực hiếm ở Nam Cực - 1

Được tìm thấy trên đỉnh của ngọn núi có tên Walnumfjellet, những mảnh vỡ hiếm hoi cho thấy tảng đá không gian này phải có đường kính ít nhất là 100 mét khi lao về phía Trái đất ở tốc độ cực cao. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở sự kiện này là thiên thạch lại không tạo ra một hố va chạm.

Các tác giả nghiên cứu mô tả tác động là một sự kiện hiếm gặp, trong đó phản lực của vật liệu thiên thạch nóng chảy đã hóa hơi có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng nhưng thiếu mật độ cần thiết để tạo ra một miệng núi lửa trên bề mặt Trái đất.

Trong số các hạt còn sót lại của thiên thạch 430.000 năm tuổi, hạt lớn nhất có kích thước chưa đến nửa milimét. Sử dụng kính hiển vi điện tử quét, các nhà nghiên cứu nhận thấy các mảnh vỡ được tạo thành chủ yếu từ sắt và olivine với hàm lượng niken cao.

Các mảnh đá không gian nhỏ bé cũng chứa các đồng vị ôxy đặc trưng của băng ở Nam Cực, cho thấy rằng chúng có được khi va chạm với bề mặt, chứ không phải bằng cách đốt cháy trong không khí.

Dựa trên quan sát mới, các nhà nghiên cứu suy đoán rằng tất cả các hạt này đều được tạo ra bởi cùng một tiểu hành tinh phát nổ và vụ va chạm đã tạo ra một loạt các mảnh vỡ trải dài trên một khu vực rộng lớn.

Theo tính toán của các nhà khoa học, vụ nổ có thể bao phủ phạm vi lên đến 100.000 km vuông đồng thời cũng sản xuất đủ bức xạ nhiệt để đốt cháy diện tích đến 1.000 km vuông.

"Mặc dù các sự kiện chạm đến mặt đất có thể không đe dọa hoạt động của con người nếu xảy ra ở trên Nam Cực, nhưng nếu nó diễn ra trên một khu vực đông dân cư sẽ dẫn đến hàng triệu người thương vong và gây ra thiệt hại nghiêm trọng trên khoảng cách lên đến hàng trăm km", tác giả nghiên cứu Matthias van Ginneken cho biết.