Tìm ra nguyên nhân khiến chim cánh cụt "ngừng" tiến hóa
(Dân trí) - Khả năng thay đổi của chim cánh cụt có thể bị hạn chế bởi nhiều yếu tố khách quan. Điều này dường như đã được định sẵn trong gen của chúng.
Chim cánh cụt đã tồn tại trên Trái Đất hơn 60 triệu năm, chúng không còn xa lạ với biến đổi khí hậu và những giai đoạn chuyển dịch của nhân loại. Chúng cũng được cho là đã thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt nhất.
Thế nhưng giờ đây, các nhà khoa học lo ngại rằng con đường tiến hóa của loài chim này có thể đã bị dừng hoàn toàn, do tỷ lệ tiến hóa của chúng nằm ở mức thấp nhất từng được phát hiện ở các loài chim.
Sở dĩ xảy ra điều này là bởi hầu hết các loài chim cánh cụt còn sống tới ngày nay đều trải qua một thời gian bị cô lập về thể chất từ Kỷ băng hà cuối cùng trên Trái Đất.
Trong thời gian này, sự tiếp xúc của chúng với các loài chim đồng loại bị hạn chế đáng kể, chủ yếu do phải sống trong điều kiện bị chia cắt ngày càng xa về hai cực của bán cầu.
Kết quả là, nguồn DNA của mỗi nhóm chim trong loài trở nên hạn hẹp, và đẩy chúng tiến gần hơn tới nấc thang của sự "ngừng" di truyền. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Theo các nhà khoa học, sự thích nghi của một số ít các đàn chim cánh cụt đã cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về cách mà loài này có thể đối phó với biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Một số đặc điểm dễ nhận thấy đó là chúng di cư nhiều hơn, và tổ chức kiếm ăn ngoài khơi, thay vì tại các tảng băng trôi. Nghiên cứu cho rằng những đặc điểm này cho phép chúng phản ứng tốt hơn với sự biến đổi khí hậu, đặc biệt là khả năng nhìn xa để tìm kiếm con mồi và di chuyển đến các vĩ độ thấp.
Dẫu vậy, chim cánh cụt vẫn là loài có tỷ lệ tiến hóa thấp nhất từng được ghi nhận trong số các loài chim cùng "họ", điển hình như chim hải âu.
Điều này dẫn tới việc một nửa trong số các loài chim cánh cụt đang sinh sống hiện nay có nguy cơ tuyệt chủng hoặc dễ bị tổn thương trước những tác động từ môi trường, khí hậu.
Thậm chí, điều này còn có thể khiến chim cánh cụt đi vào "ngõ cụt" trên chặng đường tiến hóa vốn đã gặp rất nhiều gian truân của chúng.
"Mối nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai luôn hiện hữu khi quần thể chim cánh cụt trên khắp Nam bán cầu đang phải đối mặt với sự thay đổi khí hậu nhanh chóng do con người gây ra", nghiên cứu cho biết.