Tìm ra loài đười ươi mới sống cùng thời với tổ tiên loài người
(Dân trí) - Với dân số chỉ 800 con, Tapanuli hiện là loài đười ươi có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Current Biology, các nhà khoa học đã phát hiện ra một nhóm linh trưởng mới sống cô lập ở rừng Batang Toru, phía bắc đảo Sumatra của Indonesia, có tên gọi là đười ươi Tapanuli.
Ông Erik Meijaard, nhà khoa học bảo tồn của Đại học Quốc gia Úc, người đã tham gia nghiên cứu cho biết: "Loài đười ươi mới này sống cùng thời của tổ tiên chúng ta. Nó đã tồn tại và tiến hoá hơn ba triệu năm để dần thích ứng với những điều kiện sống trong vùng rừng nhiệt đới châu Á này."
Theo các nhà khoa học,Tapanulicó đầu nhỏ hơn và lông màu xám hơn loài đười ươi khác. Cho đến nay, hai loài đười ươi có di truyền được xác định là đười ươi Bornean và đười ươi Sumatran. Sau khi xác định được những khác biệt chính trong răng, sọ, AND và chế độ ăn uống của đười ươi Tapanuli, nhóm nghiên cứu quốc tế kết luận rằng họ đã tìm thấy một loài đười ươi mới.
Hiện chỉ còn lại khoảng 800 con đười ươi Tapanuli trên toàn thế giới.
Giáo sư Michael Kruetzen thuộc Đại học Zurich, Thụy Sỹ, một trong những nhà nghiên cứu, nói: "Sự khác biệt rất nhỏ và không dễ nhận ra bằng mắt thường”.
Chỉ còn lại khoảng 800 con đười ươi Tapanuli trên toàn thế giới. Điều đó khiến nó là loài đười ươi có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất nhất trên thế giới, các nhà nghiên cứu cảnh báo.
Giống như các loài đười ươi khác, Tapanuli rất dễ bị tổn thương và phải đối mặt với những nguy cơ tuyệt chủng vì nạn phá rừng, khai thác mỏ, khai thác gỗ trái phép và những kẻ săn trộm. Đặc biệt là đập thuỷ điện có khả năng gây lũ lên tới 8% môi trường sống của loài.
Các nhà khoa học cho biết: "Nếu các biện pháp khẩn cấp không được thực hiện nhanh chóng để giảm mối đe dọa hiện tại và tương lai, bảo tồn phần rừng còn sót lại, loài linh trưởng đặc biệt này sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng”.
Trước đó, cả hai loài đười ươi Sumatra và Bornean đều được liệt kê là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao bởi Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Đoàn Dương (Theo USA Today)