Tìm ra cây cổ thụ sống gần 5.500 năm tuổi
(Dân trí) - Cây bách cổ thụ được tìm thấy trong Vườn quốc gia Alerce Costero ở Chile có thể là cây gỗ lâu đời nhất còn sống trên thế giới.
Gran Abuelo là tên của một cây cổ thụ thuộc loài thực vật hạt trần, họ cây bách, cao tới 60 mét, sống trong Vườn quốc gia Alerce Costero ở Chile.
Ban đầu, cây này được cho là có niên đại khoảng 3.500 năm tuổi. Nhưng mới đây, các nhà khoa học khẳng định rằng cây gỗ này có tuổi thọ là 5.484 tuổi. Như vậy, đây có thể chính là cây cổ thụ nhiều tuổi nhất còn sống trên thế giới.
Được biết, quá trình giám định niên đại của cây được thực hiện bởi Tiến sĩ Jonathan Barichivich, một nhà khoa học người Chile tại Phòng thí nghiệm Khoa học Môi trường và Khí hậu ở Paris, Pháp và các đồng nghiệp.
Phương pháp được Barichivich sử dụng là kết hợp các mô hình tính toán bằng máy tính và các phương pháp truyền thống để tính tuổi của cây, còn gọi là "dendrochronology". Dựa vào đó, ông cho rằng cây gỗ này đã gần 5.500 năm tuổi.
"Phương pháp này cho chúng ta biết được tới 80% quỹ đạo sinh trưởng của cái cây và con số ước tính cho thấy nó đã sống lâu hơn 5.000 năm. Chỉ có 20% khả năng cây có số tuổi thấp hơn so với tính toán mà thôi", TS. Barichivich cho biết.
Được biết, cây bách (tên khoa học: Fitzroya cupressoides), được biết đến ở Nam Mỹ với cái tên 'alerce', là một loài cây có nguồn gốc từ Chile và Argentina. Chúng thuộc cùng một họ với cây sequoia và cây gỗ đỏ khổng lồ, có thể đạt độ cao lên tới 45 mét.
Loài cây này vốn phát triển với tốc độ rất chậm, và được biết đến như một loài thực vật có thể sống tới hàng trăm, hàng nghìn năm.
Mặc dù đã tồn tại suốt hàng nghìn năm, nhưng theo các nhà khoa học, tương lai của cây Gran Abuelo vẫn còn là một ẩn số. TS. Barichivich cho rằng việc ngày càng có nhiều du khách tới để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây chính là nguyên nhân gây tổn hại tới tuổi thọ của nó. "Những chiếc rễ còn sống cuối cùng của cây bị người ta dẫm đạp lên mỗi ngày, và sẽ còn chịu thêm nhiều thiệt hại", ông nói.
Ngoài ra, tình trạng biến đổi khí hậu và những đợt hạn hán kéo dài hàng chục năm cũng đang dần làm hư hại thân cây cổ thụ hùng vĩ.